Cuộc sống mới ở làng Dùm

- Không điện lưới, không nước máy sinh hoạt, không sóng điện thoại, con đường từ trung tâm thành phố Tuyên Quang vào làng Dùm chưa đầy 10 cây số nhưng gập ghềnh đầy đá nhọn. Một bên là vách núi đá cheo leo, một bên là vực sâu. Đó chính là “bức tường” khiến cho cuộc sống khốn khó của các hộ người Dao ở làng Dùm, phường Nông Tiến bị “tách biệt” với chốn phố thị như vậy bao đời nay. Nhưng chỉ từ khi điện sáng về tận các hộ, những con đường bê tông đã và đang tiếp tục được thảm dài, phẳng phiu thì cuộc sống của đồng bào nơi đây đã bước sang trang mới.

Ước mơ thành hiện thực

Làng Dùm thuộc tổ dân phố 11, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang). Ở đây có 52 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Dao. Cách đây 5 năm, nơi đây từng là khu vực khó khăn nhất của thành phố, 100% số hộ đều là hộ nghèo. Nhưng nay đã giảm chỉ còn hơn chục hộ nghèo. Hình ảnh đầu tiên khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi trở lại là những ngôi nhà sàn gỗ, mái lợp lá đơn sơ trước đây nay đã được thay thế hầu hết bằng nhà sàn bê tông và nhà cấp 4 vững chãi, dựng san sát nhau. Những ngôi nhà sàn vừa giữ được những nét truyền thống lại vừa hiện đại, đảm bảo an toàn khi mùa mưa đến. Chủ tịch UBND phường Dương Văn Thìn bảo, được sự quan tâm của tỉnh, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể thành phố và phường, 5 năm trở lại đây, làng Dùm đã được tiếp thêm sức sống. Các hộ dân được hỗ trợ lắp điện năng lượng mặt trời, được tặng ti vi. Có 11 hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ kinh phí để làm nhà mới và xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. 20 hộ khó khăn khác được hỗ trợ cây, con giống để phát triển kinh tế... Từ cuối năm 2020, bà con ở làng Dùm đã được sử dụng điện lưới Quốc gia. Đường vào làng đã triển khai được từng đoạn, bước đầu tạo động lực thúc đẩy bà con nơi đây phải thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Diện mạo mới của làng Dùm.

Gia đình bà Đặng Thị Ngoan, từng là hộ nghèo ở làng Dùm đã được Ủy ban MTTQ thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng để làm nhà mới. Bà tươi cười nói: “Từ khi có điện lưới, cuộc sống của chúng tôi nâng cao hẳn lên đấy. Mùa hè, quạt chạy ổn định, rất mạnh, rất mát. Không còn chập chờn như điện năng lượng mặt trời. Ti vi lắp K+, xem được nhiều chương trình lắm. Bao nhiêu tin tức ở nước ngoài, ở trong nước và trong tỉnh nghe ti vi nói là biết hết. Nhất là dịch bệnh Covid-19. Giờ có điện, chúng tôi cố gắng làm ăn, góp tiền sắm chiếc tủ lạnh để tích trữ thực phẩm tươi. Đến bữa, không phải lo không có cá, thịt tươi ngon để ăn nữa. Hơn 60 tuổi, 30 năm về đây làm dâu, chưa bao giờ tôi thấy cuộc sống sung sướng như bây giờ”.

Chủ tịch UBND phường Dương Văn Thìn giới thiệu với chúng tôi, bà Ngoan rất chăm chỉ, đã thoát nghèo nhờ biết cách chăn nuôi dê và đan chổi chít. Nhưng khi hỏi, bà Ngoan khiêm tốn bảo: “Lúc nhiều nhất tôi nuôi khoảng 60-70 con dê thôi. Có gì đáng kể đâu”. 

Khoát tay chỉ xuống con đường, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 11 Khổng Khắc Minh phấn khởi bảo: Từ đầu năm 2021, một nhánh đường dài hơn 2km từ đoạn suối này vào đến phía trong làng đã thảm bê tông rộng 3m từ nguồn kinh phí của chương trình Di dân ra khỏi vùng lũ quét và sạt lở đất. Còn tuyến đường từ đường Tân Trào đi qua làng Dùm đến Thiền Viện trúc lâm Chính Pháp Tuyên Quang và đền Cấm xã Tràng Đà cũng đang được UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ. Nhiều đoạn đã được thảm bê tông phẳng phiu. Chả mấy tuyến đường rộng 7m này sẽ hoàn thành, ước mơ của bà con sẽ trở thành hiện thực.

Làng Dùm đã có đường bê tông và điện lưới.

Khát vọng tương lai

Giữa mênh mông xanh biếc của núi rừng, xen lẫn sắc nắng cuối thu nhè nhẹ, từ lớp học mầm non, tiếng lũ trẻ hát vang. Bên trong lớp học, cô giáo Đỗ Thị Thu Trang, phụ trách điểm Trường Mầm non tại làng Dùm đang say sưa dạy các em múa hát. Tiếng nhạc trong máy tính xách tay phát ra từ góc lớp, khiến không khí buổi học thêm vui tươi. Cô Trang chia sẻ: “Có điện rồi nên mới sử dụng được máy tính. Chứ trước không điện, không sóng điện thoại giáo viên không có điều kiện để ứng dụng công nghệ thông tin để dạy học đâu. Tôi thường phải tự làm đồ dùng đồ chơi ở nhà rồi mang tới lớp. Tôi cũng tự bỏ tiền túi mua 1 chiếc đài. Đài được sạc đầy pin trước từ nhà. Thẻ nhớ được tải sẵn nhiều bài nhạc, bài hát để đến lớp cắm thẻ nhớ vào đài mở cho các con nghe, dạy các con hát. Mỗi sáng đến lớp, tôi lại phải đi xách từng xô nước lần xin được ở nhà dân cạnh điểm trường về để rửa vệ sinh cho các con”. Nói đoạn, chị Trang ánh lên niềm vui: “Vừa rồi, nhờ được Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Hoàng Dân -đơn vị đang thi công tuyến đường vào làng Dùm hỗ trợ 6 triệu đồng nên chúng tôi đã lắp được hệ thống điện chiếu sáng, kéo đường nước lần về điểm trường và mua mới 3 chiếc quạt. Năm học 2021-2022 này, điểm trường đã có điện, có nước, có quạt. Cô và trò đã có điều kiện dạy và học tốt hơn. Ban Giám hiệu nhà trường đã vận động các bậc phụ huynh để tổ chức các bữa ăn bán trú để các con học cả ngày ở trường không phải về nhà buổi trưa. Có điện, có đường, chuyện bỏ học giữa chừng của học sinh các cấp ở làng Dùm chắc chắn sẽ không còn nữa”.

Làng Dùm khí hậu ôn hòa, mát mẻ, được ví như “Tam Đảo” của thành phố. Nhưng nơi đây, bà con chỉ canh tác được lúa 1 vụ do thiếu nước cho sản xuất. Được cấp ủy, chính quyền thành phố, phường định hướng, hướng dẫn, bà con ở đây đã biết tận dụng thế mạnh đất đai, tích cực trồng và bảo vệ rừng. Không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, một số gia đình đã biết phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, trang trại VACR cho hiệu quả kinh tế cao, trở thành những hộ khá giả.

Nhiều hộ dân ở làng Dùm trồng cây ăn quả cho nguồn thu nhập ổn định.

Men theo con đường mòn nhỏ, bao quanh là rừng keo xanh mướt sắp đến kỳ thu hoạch, chúng tôi đến nhà ông Vũ Đình Hướng. Ngôi “biệt thự” lọt thỏm giữa  vườn cây ổi, cây cam, ao cá, đồi rừng rộng đến gần 40 ha. Là hộ có diện tích trồng rừng lớn nhất nhì ở làng Dùm. Ông Hướng bảo: “Ông về Dùm từ năm 1996. Lúc đầu chỉ trồng rừng nhưng khoảng chục năm trở lại đây, ông bắt đầu đầu tư trồng cây ăn quả. Hiện ông có gần 600 cây ổi, 200 cây cam, nuôi 300 con gà và đào ao thả cá. Ông khiêm tốn bảo, mỗi năm, từ tiền bán hoa quả và khai thác 2ha rừng, sau khi trừ chi phí thuê nhân công và vật tư phân bón cây trồng, ông thu lãi trên 100 triệu đồng.

Rời làng Dùm trở về sau một ngày trải nghiệm, những cảm xúc nơi vườn rừng với tiếng suối chảy róc rách, với không khí mát mẻ cứ vấn vương. Xe bon bon trên đoạn đường bê tông mới, lòng thầm vui khi nhớ tới lời Bí thư Đảng ủy phường Phùng Văn Vân: “Cấp ủy, chính quyền thành phố đã có định hướng biến làng Dùm nơi “cổng trời” này thành một làng phát triển với các loại hình dịch vụ trải nghiệm, du lịch homestay kết hợp với du lịch tâm linh. Và tôi cũng hy vọng, suốt dọc tuyến đường vào làng Dùm sẽ ngập tràn sắc thắm của hoa đào mỗi dịp xuân về”.

Phóng sự: Thu Hương

Tin cùng chuyên mục