Đổi đời từ trồng cây ăn quả

- Những ngày tháng 8 chúng tôi có dịp trở lại xã Quý Quân (Yên Sơn) thăm những vườn cây ăn quả cho thu nhập tiền tỷ. Người nông dân nơi đây đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến những vùng đất trồng sắn, dong riềng thành những vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm

Theo chân đồng chí Bàn Văn Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, chúng tôi đến thăm hộ gia đình anh Nguyễn Văn Dũng và chị Phạm Thị Duyên, thôn 7. Hiện tại anh chị đang sở hữu một khu vườn cây ăn quả trên 1,5 ha. Chị Duyên đưa chúng tôi đi thăm khu trồng 250 cây bưởi đường Soi Hà, da xanh, bưởi diễn và khu trồng 100 cây na... Chị tự hào khoe với chúng tôi vườn bưởi của gia đình năm nay đã có thương lái vào trả tới 170 triệu đồng, còn vườn na ước tính được 1 tấn quả, dự kiến thu trên 30 triệu đồng.

Năm 2002, khi anh chị lập gia đình, bố mẹ cho ở riêng và cho ít vườn đồi, nhưng chỉ trồng cây sắn và dong riềng. Anh chị nhận thấy nếu cứ canh tác theo phương thức truyền thống của gia đình thì hiệu quả kinh tế không cao. Chính vì vậy, anh chị luôn trăn trở làm sao để nâng cao thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất này. Cũng thật tình cờ trong một lần chị Duyên về bên ngoại ở thôn Soi Hà, xã Xuân Vân, thấy mọi người trong gia đình đang chiết cành cây bưởi tổ của nhà để bán giống cho bà con trong thôn. Chị Duyên nảy ra ý nghĩ tại sao mình không mang về bên nhà trồng xem phù hợp với vùng đất đồi này không.

Anh Đỗ Khắc Trung, thôn 6, xã Quý Quân (Yên Sơn) đang chăm sóc vườn bưởi Soi Hà với 120 cây, thu nhập trên 100 triệu đồng.

Ban đầu chị chỉ lấy 50 cây bưởi đường Soi Hà với trị giá trên 1 triệu đồng về trồng thử nghiệm và rút kinh nghiệm trong việc chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh, nếu thành công mới tính đầu tư tiếp. Chị Duyên chia sẻ, làm gì cũng cần phải có sự quyết tâm và kiên trì, nếu không thì không bao giờ có thành công. Khi chưa có kinh nghiệm chăm sóc áp dụng khoa học hiện đại, gia đình chị cũng như nhiều người dân ở địa phương chỉ biết mỗi việc trồng rồi làm cỏ mà chưa có kinh nghiệm để theo dõi sâu bệnh hại nên cây chết nhiều.

Không khuất phục trước thất bại, anh chị tích cực tìm tòi kiến thức trên mạng internet, sách báo để áp dụng vào thực tiễn. Sau 3 năm, cây bưởi bắt đầu cho bói những quả đầu tiên, chất lượng quả rất ngon, ngọt và được thị trường ưa chuộng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế thiết thực từ cây bưởi, anh chị quyết định mở rộng diện tích trồng thêm cây bưởi diễn, duy trì bưởi đường Soi Hà với tổng số trên 250 cây. Anh chị còn được hướng dẫn tham gia trồng và chăm sóc vườn cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Để đảm bảo chất lượng quả sạch và an toàn gia đình chị thường chăm bón cây bằng phân vi sinh, không sử dụng thuốc hóa học, chú trọng theo dõi từng giai đoạn sinh trưởng của cây để hạn chế tối đa sâu bệnh. Từ năm 2015, đến nay cây bưởi của gia đình cho thu hoạch rộ, đạt từ 100 - 500 quả/cây, được thương lái trả giá từ  từ 8 - 17 nghìn đồng/quả.

Bên cạnh trồng bưởi, năm 2010, tận dụng diện tích đất đồi của gia đình chị trồng trên 100 cây na, mỗi năm cho thu hoạch 1 tấn quả với giá từ 20 - 35 nghìn đồng/kg. Từ mô hình trồng cây ăn quả đã mang lại cho gia đình chị thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Văn Tường, thôn 7, xã Quý Quân (Yên Sơn) đang chăm sóc vườn na với diện tích gần 0,5 ha,
thu nhập trên 30 triệu đồng/vụ.

Dọc tuyến đường về thôn 6, chúng tôi khá ấn tượng trước những vườn na dai quả to đều đến cách bố trí vườn cây của bà con cũng rất bài bản, thuận lợi cho việc chăm bón và thu hoạch. Đang thu hoạch những trái na đầu vụ, anh Đỗ Xuân Tùng, thôn 6 chia sẻ, cây na có từ những năm 1990, do một số người dân miền xuôi Hà Tây - Hà Nội mang về trồng. Ban đầu chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình. Đến mùa quả chín, ăn không hết đem ra chợ bán, rồi dần dần khách tìm đến tận nhà để mua. Chính vì vậy nhận thấy cây na dai phù hợp để phát triển kinh tế, gia đình anh đã mạnh dạn phá dỡ hết 1 ha đồi sắn và dong riềng để đầu tư trồng na dai. Anh cũng đi học hỏi nhiều mô hình trồng na dai ở một số nơi như Sơn La, Hà Nội. Hiện nay, với trên 150 gốc na dai chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, quả na dai của gia đình được thương lái đến tận vườn thu mua. Vườn na của gia đình anh cho năng suất  7 tạ/ha bán với giá từ 30 - 35 nghìn đồng/kg. Nhờ vậy mà giờ gia đình có cuộc sống khá giả hơn, con cái học hành đầy đủ, anh đã xây được nhà và chuẩn bị mua ô tô.

Xây dựng sản phẩm OCOP

Đồng chí Bàn Văn Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, cây ăn quả được trồng ở địa phương khoảng 40 năm. Nhưng phát triển mạnh và trở thành hàng hóa 15 năm nay. Từ trồng cây ăn quả, nhiều hộ trong xã có có cuộc sống ấm no, sung túc xây dựng được nhà cửa khang trang, thu nhập bình quân người dân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Hiện toàn xã có 291,3 ha các loại cây ăn quả, trong đó, cây bưởi 235 ha, cây na trên 40 ha, còn lại các loại cây ăn quả khác, doanh thu một năm đạt từ 6 - 7 tỷ đồng. Các vườn cây ăn quả tập trung chủ yếu ở thôn 5, 6, 7, 8. Để thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP”, xã đang xây dựng sản phẩm bưởi và na Quý Quân làm sản phẩm đặc sản của địa phương. 

Nhiều hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn xã đã áp dụng trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, tạo ra chất lượng bưởi, na ngon, an toàn cho người tiêu dùng. Anh Triệu Văn Từ, trưởng thôn 7 cho biết, thôn có 69 hộ với 285 nhân khẩu, 100% hộ trồng cây ăn quả, với diện tích trên 40 ha. Toàn thôn có 40 hộ trồng theo hướng hữu cơ. Thôn xác định để nâng cao chất lượng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, từ năm 2018, trong quá trình trồng, chăm sóc vườn cây ăn quả các hộ luôn thực hiện nghiêm ngặt quy định ghi chép các thông tin từ nguồn gốc giống, đất, phân bón. Quan trọng nhất là năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng tăng hơn so với trước đây. Chính vì vậy những vườn cây ăn quả của thôn ngày càng được nâng cao về sản lượng, chất lượng, được khách hàng ưa chuộng. Nhiều hộ đến nay đã có uy tín và được các thương lái đến đặt hàng với số lượng lớn như: hộ gia đình anh Đỗ Xuân Nhị, Đỗ Xuân Được, Đặng Văn Thắng...

Người dân xã Quý Quân (Yên Sơn) đến thăm mô hình trồng bưởi Soi Hà của gia đình chị Phạm Thị Duyên, thôn 7 diện tích 1,5 ha thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Hội nông dân xã còn thành lập Tổ hội trồng cây ăn quả với 23 thành viên của thôn 7 và thôn 3. Chị Hoàng Thị Đào, thành viên của tổ nói, tham gia sinh hoạt tại tổ, chị và mọi người thực hiện đúng theo quy định điều lệ của Hội Nông dân Việt Nam theo nguyên tắc 5 tự: tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và 5 cùng là: cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cùng quan tâm, cùng chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thụ. Mỗi tháng các hội viên sinh hoạt một lần để được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt các thông tin khoa học kỹ thuật, thị trường, để tập trung chăm sóc cây ăn quả, sản xuất theo phương thức an toàn, đồng thời mở rộng diện tích nhằm nâng cao thu nhập.

Trong thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao để dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, tập trung đầu tư cho phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả cao, sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn chứng nhận. Đồng thời sẽ có chính sách hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân có nhu cầu sản xuất hữu cơ đầu tư vào sản xuất. Tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm, hướng tới sản xuất mặt hàng hoa quả có giá trị kinh tế cao, an toàn, thân thiện môi trường.

Bằng sức người, mảnh đất khô cằn trước đây chỉ trồng sắn, dong riềng nay đã trở thành một vùng quê trù phú. Đất không phụ công người đã nở hoa, cho nhiều trái ngọt, hứa hẹn sẽ mang lại cuộc sống nhiều đổi thay, no ấm cho người dân nơi đây.

Ghi chép: Minh Thủy

Tin cùng chuyên mục