Dư âm mùa thu lịch sử

- 77 năm trôi qua nhưng dư âm của mùa thu tháng Tám năm 1945, của những ngày Tổng khởi nghĩa còn đọng lại mãi trong ký ức mỗi người. Những nhân chứng ngày ấy dẫu không còn nhưng các thế hệ con, cháu vẫn không thể nào quên. Tinh thần bất diệt của những ngày Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm ấy đã trở thành sức mạnh để hôm nay Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Khu Giải phóng vươn mình bứt phá, xây dựng quê hương cách mạng giàu đẹp.

Ký ức không phai

Có dịp trở lại thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn) mới thấy rõ được sự đổi thay của nơi này. Duy chỉ có những ký ức về Bác Hồ khi Người về Tuyên Quang lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám là không đổi thay. Đồng chí Ma Thị Nhường, Bí thư chi bộ thôn Làng Chạp cho biết, người già trong làng vẫn kể lại sự kiện lịch sử ngày 20-5-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Làng Chạp, sau khi Người rời Pác Bó (Cao Bằng).

Để đóng góp cho cách mạng, biết bộ đội về làng đi kháng chiến, ai cũng tuyệt đối bảo vệ bí mật, người thì đun nước, người thì đưa cơm. Mãi sau này, người dân mới biết trong đoàn bộ đội có một cụ già dáng người mảnh dẻ, nước da rám nắng, mặc áo chàm, vai vắt chiếc khăn mặt trắng là Bác Hồ. Ký ức lịch sử trước ngày tổng khởi nghĩa đã trở thành động lực để Làng Chạp, Trung Sơn đoàn kết, khơi dậy sức dân, vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Làng Chạp đã bê tông hóa trên 90% đường liên thôn, nội thôn. Nhà văn hóa được xây dựng khang trang. Trên địa bàn thôn có nhiều mô hình kinh tế có giá trị kinh tế cao như trồng rừng FSC, nuôi trâu bò sinh sản, ốc nhồi... Chi bộ Làng Chạp nhiều năm liên tục được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Một góc thành phố Tuyên Quang.

Từ Làng Chạp, Trung Sơn chúng tôi đến thăm ngôi nhà của Liệt sĩ Trần Ngọc Khiết, tổ 2, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang). Tại đây vào chiều ngày 16-8 năm 1945, các đơn vị giải phóng quân, du kích, tự vệ thị xã đã tập kết lực lực lượng chuẩn bị lễ xuất quân trước khi tiến vào giải phóng thị xã. Ông Trần Ngọc Thuận, con trai của cụ Khiết nhớ lại: “Khi còn nhỏ, tôi vẫn được người già kể thời điểm cha tôi hy sinh và không khí sục sôi của những ngày giải phóng thị xã. Cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ được giương cao khắp nơi. Một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động thị xã. Trước khi tổng khởi nghĩa nổ ra, tại thị xã Tuyên Quang, phong trào ủng hộ cho cách mạng diễn ra rất sôi nổi.

Nhân dân còn xuống sông mò vũ khí, đột nhập kho vũ khí của Nhật, vào bệnh viện lấy thuốc men để ủng hộ quân giải phóng. Cha tôi bị Nhật bắn và hy sinh đúng ngày 19-8-1945”. Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, ông Thuận luôn giáo dục con, cháu chăm ngoan, học giỏi, là công dân tốt. Ông Thuận sinh được 4 người con thì cả 4 đều học đại học, người thì làm bác sỹ, người làm giáo viên, có công ăn việc làm ổn định. Ông Thuận tự hào vì tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn nhớ về những ngày chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa qua lời kể của các thế hệ đi trước.

Tuy tuổi đã cao nhưng đến giờ ông Hà Hưng Chiến, tổ 4, phường An Tường (TP Tuyên Quang) vẫn còn lưu giữ hồi ký chiến đấu của cha mình là ông Hà Hưng Long. Ông Long là một trong 34 chiến sỹ trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân từng tham gia tuyên truyền, huấn luyện cán bộ ở các huyện chợ Rã (Bắc Kạn), chợ Chu (Thái Nguyên), Sơn Dương (Tuyên Quang) để chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Ông Chiến kể, khi còn sống, cha ông luôn tự hào về những năm tháng tham gia chiến đấu, chuẩn bị các điều kiện để tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám. Tinh thần ấy truyền sang thế hệ các con ông để ai cũng nêu gương cha mình, nỗ lực học tập, xứng đáng với truyền thống cha anh đi trước.

Ông Hoàng Văn Tam kể về ký ức những ngày được phục vụ Bác Hồ và bộ đội khi Người từ Pác Bó (Cao Bằng)
về Làng Chạp, xã Trung Sơn (Yên Sơn).

Quê hương cách mạng chuyển mình

Tự hào với truyền thống “Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa”, Tuyên Quang - Thủ đô Khu Giải phóng trong cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ tỉnh luôn chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, khơi dậy, đặt lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân làm trung tâm của sự phát triển. Tỉnh tập trung xây dựng chính quyền phục vụ, kiến tạo, quan tâm, chăm lo đời sống của nhân dân từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Ở mỗi nhiệm kỳ, Tuyên Quang đều đạt được những thành tựu, dấu ấn quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư đồng bộ, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn nội lực, ngoại lực để phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh có sự bứt phá rõ rệt. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,08%, đứng tốp 3 trong 11 tỉnh miền núi phía Bắc, đứng thứ 20 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều chỉ tiêu tăng so với kế hoạch đề ra như tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP), giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu xã hội từ du lịch, tổng mức bán lẻ và dịch vụ xã hội, giá trị xuất khẩu hàng hóa…

Một góc thành phố Tuyên Quang đang từng ngày phát triển.

Tuyên Quang đang trở thành điểm đến lý tưởng, hấp dẫn để đầu tư phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch. Nhiều dự án, công trình lớn trong những năm gần đây được đầu tư đã làm thay đổi và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại đã tạo động lực lớn để thúc đẩy giao thương, liên kết vùng, liên kết tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ đổi thay ở thành thị, ở nông thôn với việc triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng ATK cũng đã có nhiều khởi sắc.

Đồng chí Nguyễn Văn Dần, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn (Yên Sơn) cho biết, đến nay, từ các nguồn vốn của Nhà nước và sức dân, 100% đường trục xã đã được nhựa hóa, trên 75% đường liên thôn, nội thôn, kênh mương nội đồng đã được bê tông hóa. Người dân ở vùng quê cách mạng này đã năng động hơn, dám nghĩ, dàm làm trong xóa nghèo, vươn lên làm giàu từ bàn tay, khối óc của mình. Trung Sơn là địa phương dẫn đầu toàn huyện về trồng rừng FSC. Toàn xã hiện có trên 2.000 ha rừng trồng của nhân dân đã được cấp chứng chỉ FCS. Nhiều hộ từ trồng rừng có thu nhập tiền tỷ.

Về xã Minh Thanh (Sơn Dương) cũng thấy sự đổi thay đáng kể. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hứa, Bí thư Đảng ủy xã Minh Thanh cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn trên 27% theo chuẩn nghèo mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/ người/năm. Xã đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Nhiều mô hình kinh tế mới của người dân quê hương cách mạng đã hình thành như chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa…

Về những vùng quê cách mạng vào độ tháng Tám mùa thu để cảm thận thấy dư âm của những ngày Tổng khởi nghĩa năm xưa vẫn còn in rõ trong tâm trí của mỗi người. Dư âm ấy chính là khí thế quật khởi hun đúc quyết tâm vươn lên xây dựng quê hương ngày càng no ấm, giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống của cha anh và xứng đáng với vị thế Thủ đô Khu Giải phóng.

Ghi chép: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục