Hãy cứu lấy chim trời! - Bài cuối: Kiên quyết xử lý để đất lành chim đậu

- Trước thực trạng bẫy, bắt, chế biến chim trời, chính quyền, cơ quan chức năng đã vào cuộc để từng bước ngăn chặn, bảo vệ môi trường và sự đa dạng sinh học.

Bài 1: “Thiên la địa võng” quét sạch chim, cò

Bài 2: Món nhậu trong nhiều nhà hàng

Những con sâu bỏ rầu nồi canh

Tìm hiểu của phóng viên tại các địa phương từng xuất hiện nạn bẫy, bắt chim trời; chính quyền đã vào cuộc ngăn chặn, xử lý khi phát hiện sự việc.

Đồng chí Dương Văn Thìn, Chủ tịch UBND phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) khẳng định, năm 2022, trên địa bàn phường xuất

hiện trường hợp giăng lưới kết hợp với âm thanh để dụ chim vào bẫy trên cánh đồng thuộc tổ 8. Phát hiện sự việc, phường đã nhắc nhở và yêu cầu cá nhân đó dỡ bỏ lưới, bộ phát âm thanh, dừng ngay hành động bẫy chim. Phường cũng đã yêu cầu cá nhân đó ký cam kết không thực hiện bẫy, bắt chim tự nhiên dưới bất cứ hình thức nào.

Không những chính quyền, người dân trên địa bàn phường Nông Tiến cũng đã phản ứng gay gắt, thậm chí là tổ chức xua đuổi người có dấu hiệu khả nghi. Anh Khổng Doãn Thủy, tổ 8 cho biết, cứ về mùa hè đàn chim trời thường di trú và ngủ tại vườn cây sau nhà anh. Bảo vệ chim, anh và các hộ dân trong khu vực luôn “để mắt”, chỉ cần phát hiện người lạ đi vào khu vực là ngăn chặn ngay.

Theo anh Thủy, có những ngày nắng nóng 38 - 39 độ C, lợi dụng người dân nghỉ trưa, một số tay bẫy chim đảo qua đảo lại thăm dò để đặt bẫy lưới, bẫy dính. Tuy nhiên cũng không qua được mắt của người dân trong tổ. Ra sức bảo vệ nên đàn chim sẻ đông đến cả trăm con mới được an toàn.

Cán bộ Kiểm lâm Na Hang thả chim cuốc ngực trắng về rừng.

Cũng như anh Thủy, ông Lương Đình Thuyết, thôn Chắng Hạ, xã Hòa An (Chiêm Hóa) cũng ngày đêm lo đuổi các đối tượng nhăm nhe để bẫy đàn chim trong vườn nhà ông. Theo ông Thủy, vườn của gia đình có nhiều cây lớn, chim rừng thường về trú ngụ. Để đất lành chim đậu, ông cũng phải theo dõi, thậm chí là “khẩu chiến” để xua đuổi các đối tượng có ý định bẫy, bắt đàn chim.
Các nhà hàng, khách sạn, quán ăn cũng đã được tuyên truyền, đồng thời ký cam kết không buôn bán, kinh doanh, chế biến động vật hoang dã, trong đó có loài chim tự nhiên.

Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, nhìn tổng quan ý thức, trách nhiệm của chính quyền, người dân trong việc bảo vệ động vật hoang dã, trong đó có chim trời, đã được nâng lên rất nhiều. Đây là nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Tuy nhiên, vẫn không thể tránh khỏi một số cá nhân vì lợi nhuận, thiếu hiểu biết vẫn lén lút đánh bắt, bẫy.

Điều đáng buồn là các hành vi bẫy, bắt chim tự nhiên thường được thực hiện vào ban đêm hoặc giờ trưa để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng cũng như sự tố giác của người dân. Đây thực sự là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Theo các lực lượng chức năng, các đối tượng lén lút thực hiện các hành vi bẫy, bắt chim tự nhiên nếu không có sự vào cuộc của cả cộng đồng sẽ khó có thể phát hiện, xử lý.

Ngăn chặn, xử lý cương quyết

Điều 9, khoản 3, Luật Lâm nghiệp 16/2017/QH14 ngày 15-11-2017 quy định rõ cấm các hành vi săn, bắt, nuôi, nhốt, giết tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loại thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật. Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25-4-2019 của Chính phủ và  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10-1-2022 của Chính phủ. Theo đó, các hành vi vi phạm về bảo vệ động vật rừng nếu bị phát hiện sẽ tùy theo mức độ, đối tượng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2020 đến nay, lực lượng Kiểm lâm, Công an Môi trường đã kiểm tra phát hiện, xử lý 11 vụ, việc vi phạm pháp luật về động vật hoang dã (trong đó có 1 vụ xử lý hình sự, 10 vụ xử lý hành chính), tang vật tịch thu 11 cá thể động vật rừng thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm, 128 cá thể động vật rừng thông thường, 5,5 kg sản phẩm động vật rừng, loài thông thường. Điển hình, tháng 1-2020, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng đã phát hiện 264 cá thể chim héc xoan tại thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) bị săn bắn trái phép nhưng không xác định được đối tượng vi phạm. Ngay sau đó những cá thể này được thả về tự nhiên.

Cán bộ Kiểm lâm Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu (Hàm Yên) dùng thiết bị kết nối di động thực hiện nghiệp vụ bảo vệ động vật hoang dã.

Ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học ở các cánh rừng, lực lượng công an trong tỉnh triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, vận động người dân giao nộp vũ khí tự chế. Thống kê sơ bộ, trong 3 năm trở lại đây, lực lượng công an đã vận động người dân giao nộp 863 khẩu súng tự chế, 145 vũ khí thô sơ săn bắn. Thượng tá Đặng Đình Cường, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an tỉnh khẳng định, từ các biện pháp nghiệp vụ và vận động người dân tự giác nộp vũ khí tự chế đã phần nào hạn chế được việc săn bắn thú rừng, chim rừng.

Thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã có kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan, kiểm tra, kiên quyết xử lý tất cả các vi phạm về săn bắt động vật hoang dã và chim di cư. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đề nghị chính quyền các địa phương tổ chức cho các tổ chức, cá nhân ký cam kết và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ động vật hoang dã; nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ chim các loại. 

Sự vào cuộc của các cơ quan liên quan là vô cùng cần thiết song chưa đủ để bảo vệ đàn chim tự nhiên, một trong những yếu tố quan trọng giữ cân bằng về đa dạng sinh học. Do vậy hơn ai hết mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm chung tay bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ đàn chim, bởi đất có lành chim mới về đậu.

Điều tra: Trang Tâm - Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục