Hãy cứu lấy chim trời! - Bài 2: Món nhậu trong nhiều nhà hàng

- Tất cả những con chim không may mắc bẫy của những tay thợ săn, số rất ít may mắn được bán để làm cảnh, còn phần lớn là trở thành đồ nhậu của thực khách. Không công khai nhưng bất kỳ ai cũng có thể đặt hàng với đủ các món được chế biến từ chim trời. Điều đáng ngại là người đánh bắt cũng như các chủ nhà hàng không hề quan tâm đến việc tận diệt chim trời sẽ ảnh hưởng thế nào đến môi trường sinh thái hay đa dạng sinh học.

Bài 1: “Thiên la địa võng” quét sạch chim, cò

Bài cuối: Hãy cứu lấy chim trời! - Bài cuối: Kiên quyết xử lý để đất lành chim đậu

Hàng tươi sống

Vũ Văn H., một tay săn, bẫy chim trời có thâm niên ở xã Đại Phú (Sơn Dương) nói rành rọt, những con chim mắc bẫy chủ yếu là sẻ, ri, mía... sẽ được gỡ ra rồi dồn vào túi lưới, cứ thế, sau một ngày đêm đi bẫy bắt, từng bao lưới đựng đầy chim lại được H. mang đến giao cho các nhà hàng, quán bia. H. nói, đến đây cũng đủ hiểu được số phận hẩm hiu của vô vàn những chú chim tội nghiệp không may dính bẫy. Vũ Văn H. khẳng định, hàng của mình toàn hàng tươi sống (tức là những con chim mới chỉ dính bẫy chưa chết), tươi rói, không hề bị hao, thịt rất ngon, ngọt, ăn đứt hàng cấp đông ở dưới xuôi nên nhà hàng này không lấy thì nhà hàng khác lấy, không bao giờ sợ tồn.

Trần Văn S., phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) cũng ngày đêm lùng sục rình bẫy, bắn những con chim mà theo S. để phục vụ từng đối tượng khách hàng. Trần Văn S. vô tư cười nói, hàng bẫy loại nào thuần hóa được như cu gáy, chào mào, chích chòe, khuyên... thì bán cho người chơi chim làm cảnh, loại nào khó thuần hóa chuyển làm đồ nhậu.

 Chiến tích của một tay săn chim trời phường Nông Tiến (Tp Tuyên Quang).   

Riêng hàng bắn, số này không nhiều, chỉ vài ba con, bữa nào may mắn mới có đến chục con nhưng được con nào thì đáng tiền con đó. Không ngần ngại, Trần Văn S. khoe chiến tích sau 1 đêm đi bẫy, bắn, nhìn những chú chim tội nghiệp trong bộ lông xơ xác được gom lại, bằng cảm quan mắt thường cũng có thể nhận biết chúng không cùng giống nhưng cùng chung một số phận bị bắt, bắn chết để làm mồi nhậu cho một bộ phận người mà theo họ đó là hàng sạch nhất, an toàn nhất hiện nay.

Những khách VIP sẵn sàng mua những con chim rừng chuẩn vừa bẫy, bắn về với giá xứng tầm. Theo S. khi có hàng chỉ cần chụp hình những con chim mắc bẫy, bắn gửi qua zalo cho khách, phút mốt khách chốt đơn là S. sơ chế và ship rất nhanh gọn, tiền tươi luôn.

Đủ món chim trời

Theo giới sành ăn trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và các huyện không khó có thể tìm được các món đặc sản là chim trời. Từ nhà hàng hạng sang đến bình dân, từ dòng chim trời (chim đồng) phổ thông, dân dã nhất như sẻ, ri, mía, cò đến hàng sang hơn là héc, vẫy, dẽ giun...

Ngay tại thành phố Tuyên Quang cũng có 5 - 7 nhà hàng, quán bia có món chim trời ở phường Tân Quang, phường Phú Lâm, xã Thái Long...

Mục sở thị những nhà hàng, khách sạn có món đặc sản chim trời, chúng tôi phải nhờ Nguyễn Hữu B. người rất sành về các món được chế biến từ chim trời. Không ngần ngại, Nguyễn Hữu B. dẫn chúng tôi đến 1 quán nằm trên Quốc lộ 37 đoạn qua thành phố Tuyên Quang. Theo lời giới thiệu của B. thì đây là 1 trong 2 “thiên đường” của các món chế biến từ chim trời với đủ chủng loại, cách chế biến từ truyền thống đến hiện đại, đặc biệt “hàng” cũng là chuẩn nhất.

Món chim trời được chế biến tại một nhà hàng hạng sang ở thành phố Tuyên Quang. 

Thấy tôi nghi ngờ về câu “hàng chuẩn nhất” anh bạn B. giải thích, ở đây không bao giờ “treo đầu dê, bán thịt chó”, hàng nào bảo hàng đó và tiền nào của đó nên thường được thực khách thích các món hoang dã như anh tìm đến. Một số quán bia bình dân nếu không sành, không thân, không phải là khách ruột rất có thể ăn “hàng fake’’, ngon thì chim bồ câu không thì chim cút nuôi đội lốt chim rừng, chim trời ngay, thậm chí là xơi cả gà con như chơi. Anh B. khẳng định.

Liếc qua thực đơn của nhà hàng vẫn là các món ăn vốn có như canh gà nấu gừng, gà nướng mật ong, cá quả nướng than hoa... nhưng khi biết khách quen là anh bạn Nguyễn Hữu B., chủ quán liền giới thiệu hôm nay có hàng từ bình dân như chim sẻ, chim ri, chim mía... đến hàng chất lượng cao như cò, héc, ngói... Chủ quán cũng không quên hỏi thực khách chế biến như nào, quay, rôti, hấp, nướng, thuôn hành răm...

Qua câu chuyện với chủ nhà hàng được biết, 100% số chim trời này được “đặt” từ những người săn, bắt chim chuyên nghiệp trong tỉnh, thậm chí là ở ngoài tỉnh để đủ “nguồn hàng”  phục vụ các thượng khách. Hàng trong tỉnh, tươi ngon hơn nên giá cũng nhích hơn hàng cấp đông từ các tỉnh miền xuôi đưa lên.

Lời từ vị chủ quán rằng, thời buổi bây giờ, rất nhiều thực khách quay về món hương đồng gió nội, đó là nhắm thịt chim trời. Bởi giờ, kiếm được con gà, con vịt nuôi tự nhiên đã rất khó, huống hồ chim trời. Thịt các loại chim tự nhiên không độc hại, vừa ngon, vừa bổ. Và cũng chính vì lý do này mà khách muốn ăn phải gọi điện trước để đặt hàng vì số lượng chim không phải khi nào cũng có sẵn, đặc biệt là hàng tươi, sống.

Các chuyên gia về đa dạng sinh học cho rằng, nhiều thực khách tỏ ra rất thích món chim trời mà không biết chính mình đã tiếp tay cho chuỗi hành trình tận diệt chim trời. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục chẳng bao lâu nữa các loài chim sẽ  không còn nữa, cân bằng sinh thái đứng trước nguy cơ bị phá vỡ, lúc đó cuộc sống của chính con người sẽ bị đe dọa.

                                                                                                                                                                           (còn nữa)
Điều tra: Tuấn Quang

Tin cùng chuyên mục