Những cách làm mới...
Chúng tôi đến đúng lúc một nhóm người đang cùng nhau thiết kế ngôi nhà nhỏ bằng tre bên bờ suối. Anh Ly Thanh Tùng, Trưởng thôn Đồng Cướm, xã Trung Sơn (Yên Sơn) hồ hởi khoe, đây là công trình, ý tưởng của một bạn trẻ của thôn. Đó là một quán cà phê hoàn toàn từ chất liệu thiên nhiên nhìn ra bờ suối nơi có dòng nước xanh mát, những chiếc cọn nước.
Cô gái Triệu Thanh Nhi, 23 tuổi là chủ nhân của mô hình này. Nhi bảo, mô hình bây giờ đang trong giai đoạn nước rút hoàn thành, khoảng chục ngày nữa thì chị vào đây thì sẽ đẹp lắm. Với cảnh đẹp sẵn có, du khách vào đây được thưởng thức món ăn ngon bản địa, uống nước ép từ trái cây địa phương, lội suối, ngắm thác...
Trang trại chăn nuôi lợn đen của chị Đỗ Thị Chiều, thôn Đồng Cướm, xã Trung Sơn (Yên Sơn).
Trong ngôi nhà mái thái mới tinh tươm nằm nép bên sườn đồi, cô gái 9x Đỗ Thị Chiều đon đả đón chúng tôi để giới thiệu mô hình kinh tế gia đình. Chiều bảo, em là người đầu tiên của thôn nuôi lợn đen. Thời điểm nhiều nhất có khoảng hơn 60 con lợn, được chăn thả tự nhiên trên khu đồi rộng 1 ha. Từ năm 2019, lợn đen của em cũng được khách ngoại tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương đặt hàng. Có lúc cung không đủ cầu nên em cũng đang vận động các hộ dân trong thôn tận dụng đất đồi để chăn nuôi phát triển.
Toàn thôn hiện có 640 ha rừng trồng. Nhiều hộ khấm khá từ rừng có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm như hộ ông Triệu Văn Hạ với 10 ha, hộ ông Ngô Văn Khánh có 7,8 ha, hộ ông Thạch Văn Túc có 6 ha... Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có nhiều hộ dân đã làm xưởng sản xuất gỗ ván ép, giải quyết cho hàng chục lao động địa phương.
Hiện nay thôn có 7 xưởng sản xuất gỗ ván ép. Hộ anh Triệu Văn Hạ làm xưởng từ năm 2019, quy trình vận hành đơn giản, chỉ cần vài buổi là người làm sẽ biết nghề. Từ mô hình của gia đình giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương, thu nhập trung bình là 3 triệu đồng/tháng.
Trưởng thôn Ly Thanh Tùng chia sẻ, đời sống bà con ngày một nâng cao với nhiều cách làm, hướng đi mới. Thôn hiện có khoảng 20 mô hình kinh tế hiệu quả với mức thu nhập trên 150 triệu đồng/mô hình/năm.
Nhiều xưởng bóc gỗ ván ép ở Đồng Cướm, xã Trung Sơn (Yên Sơn) giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Nét văn hóa riêng biệt
Đồng Cướm là thôn khá đặc biệt của xã Trung Sơn, địa bàn thôn rộng, có hơn 160 hộ dân nhưng có 9 dân tộc anh em sinh sống, gồm Dao, Mông, Nùng, Tày, Pà Thẻn, La Chí, Mường, Thái, Kinh. Mỗi dân tộc mang một nét văn hóa riêng biệt nhưng tinh thần đoàn kết, đùm bọc gắn bó tạo nên nét văn hóa chung của bản làng nơi đây.
Anh Thạch Văn Tuyến, tộc người Tống chia sẻ: “Thôn có 20 hộ là tộc người Tống, người Tống có tiếng nói, trang phục riêng. Bà con nơi đây rất giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của tộc người mình”.
Bà Triệu Thị Liên là người Dao đỏ, cao tuổi trong bản. Bà chia sẻ, người Dao trong thôn chiếm 40%, bà vẫn luôn nhắc nhở con cháu giữ gìn truyền thống cha ông để lại.
Chả thế mà để giữ gìn nét văn hóa của đồng bào Dao, cô cháu gái Triệu Thanh Nhi đã có ý tưởng về mô hình du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa. Nhi bảo: “Mô hình du lịch em mở ra, trước hết là đón du khách tham quan thưởng thức cảnh đẹp, món ăn bản địa. Sau đó sẽ kết nối khôi phục, gìn giữ nét văn hóa người Dao. Đồng thời giới thiệu văn hóa dân tộc anh em khác như Mông, Pà Thẻn, Tày, Nùng…”.
Người dân Đồng Cướm, xã Trung Sơn (Yên Sơn) luôn có ý thức gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc.
Một điều đặc biệt đó là với nhiều dân tộc anh em sinh sống thế nên nhiều người biết nói rất nhiều tiếng “nội ngữ”. Ông Thạch Văn Túc, một người già trong bản có thể nghe, nói được các thứ tiếng như: Dao, Tày, Nùng, Tống, Mông… Ông chia sẻ, bà con nơi đây có ý thức giữ gìn tiếng nói riêng của dân tộc mình. Ông thường xuyên gặp gỡ và chuyện trò bằng tiếng nói của họ, tình cảm xóm làng gắn bó bền chặt hơn.
Với diện tích rộng, dân cư sống rải rác tại các khu đồi, mỗi dân tộc có phong tục tập quán riêng thế nhưng tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các hộ dân rất bền chặt. Trưởng thôn Ly Thanh Tùng chia sẻ, những phong tục đẹp như tục góp cỗ, cùng giúp nhau khi gia đình có công có việc; tục đụng lợn; cả làng đến từng nhà ăn cỗ tất niên hay chúc Tết đầu năm vui vẻ, đoàn kết lắm!
Nhiều năm liền thôn Đồng Cướm luôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, 90% gia đình đạt gia đình văn hóa. Số hộ khá giả ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 30%, đời sống bà con ngày một nâng cao. Người dân bao năm luôn gắn bó bền chặt bên nhau tạo nên nét đẹp riêng cho bản làng nơi đây.
Gửi phản hồi
In bài viết