Kết nối những phụ nữ yếu thế

- Nghề đan lát ở xã Yên Phú (Hàm Yên) gắn liền với đời sống người dân nơi đây từ xa xưa, phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Nhưng đã có những thời điểm nghề đan lát bị mai một. Để khôi phục nghề và nâng cao thu nhập, năm 2018, một nhóm phụ nữ là những người già, neo đơn, hộ nghèo tập hợp cùng nhau thành lập Nhóm mây tre đan phụ nữ yếu thế xã Yên Phú để giữ gìn nghề truyền thống và có thêm thu nhập.

Tạo sinh kế

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phạm Thị Luyến niềm nở cho biết, không chấp nhận đói nghèo, những năm gần đây người dân xã Yên Phú phát huy sự năng động, nhạy bén trong việc chuyển đổi cơ cấu lao động sản xuất nên cuộc sống của người dân trong xã khấm khá hơn nhiều. Cùng với đó, chương trình xây dựng nông thôn mới tạo động lực để chính quyền và nhân dân xã đoàn kết, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, xây mới nhà cửa, đem lại diện mạo mới cho quê hương.

Dẫn chúng tôi đến nhóm mây tre đan, chị Luyến tiếp tục câu chuyện, xã Yên Phú có nhiều ngành nghề, mô hình phát triển mang lại thu nhập cao cho người dân như trồng cam, táo, dịch vụ… Nhưng có một số những người phụ nữ cao tuổi, neo đơn không làm được việc nặng, việc ngoài trời, hộ nghèo, cận nghèo cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy mặt hàng mây tre đan có tiềm năng phát triển, lại tận dụng được thời gian lúc nông nhàn, Hội đã tập hợp, kết nối các hội viên khôi phục lại nghề mây tre đan, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và nguồn lao động nhàn rỗi tạo công ăn việc làm cho hội viên. 

Các thành viên Nhóm mây tre đan tập trung hoàn thiện sản phẩm cho khách hàng.

Vừa vội vã từ trung tâm xã trở về nhà, bà Hoàng Thị Nhất, thôn 3 Thống Nhất, trưởng Nhóm mây tre đan đon đả mời chúng tôi vào nhà, vừa mời nước, tiếp chuyện, bà vừa tranh thủ vót tre, chuốt nan, đan cho xong chiếc nia đang dang dở. Đôi tay chai sạn thoăn thoắt vắt từng mối lới thuần thục vừa chặt chẽ vừa nhịp nhàng. Bà Nhất bảo, bà hiện sống một mình do cách đây mấy năm, chồng bà mất vì bệnh hiểm nghèo.

Do nhiều tuổi, ít đất sản xuất nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ngay khi được Hội Phụ nữ xã vận động khôi phục nghề mây tre đan bà nhiệt tình tham gia ngay. Nhóm mây tre đan phụ nữ yếu thế được thành lập năm 2018, ban đầu có 9 thành viên, đến nay tăng lên thành 16 thành viên. Nhóm chủ yếu là phụ nữ cao tuổi, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn không đi lao động ngoài trời được. Người cao tuổi nhất đã bước qua tuổi 80, ít tuổi nhất cũng đã 50 tuổi.

Ngày trước, các vật dụng trong gia đình đều được đan lát thủ công, từ cái rổ, cái rá cho đến cái nong, cái nia nên nhà nào cũng có người biết đan. Con gái lên 8 lên 9 đều được cha mẹ dạy cách đan lát nên bà thành thục hầu hết các sản phẩm. Tuy nhiên, sau một thời gian đồ nhựa lên ngôi, người trẻ biết đan lát cũng ít dần. Khi tham gia vào nhóm, người già chỉ dẫn cho người trẻ, người thạo nghề chỉ dạy cho những người chưa quen tay. Những sản phẩm ban đầu còn thô sơ, nhiều lỗi, nhưng càng về sau càng sắc nét và có độ tinh tế hơn. 

“Đan lát đã trở thành một trong những hoạt động chính trong sinh hoạt hàng ngày, hôm nào không đan lại thấy nhớ, thấy buồn tay chân lắm. Bởi vậy, dù bận bịu cỡ nào bà cũng dành thời gian đan, có thêm niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống và có thêm thu nhập” - bà Nhất bảo.

Cuộc sống thêm ý nghĩa

Bà Đàm Thị Thành, thành viên nhóm vừa nhanh tay hoàn thành những mối đan cuối cùng của chiếc rổ vừa chia sẻ, bà tham gia nhóm được 2 năm. Lúc mới theo nghề cũng nản lắm, vì các sản phẩm bà hoàn thành đều rất thô, các mối đan không đều, chắc nhưng bà nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình từ cách vót nan, cách đan, mối nối… của chị em trong nhóm. Nhưng cứ học dần, theo dần, thả lỏng tay dần để sản phẩm mềm mại, sắc sảo hơn. Mặc dù là nghề phụ nhưng đem lại cho gia đình bà khoản thu nhập đáng kể, tận dụng được thời gian lúc nông nhàn, giúp bà trang trải nhiều khoản chi phí trong cuộc sống.

Nghề mây tre đan không kén lao động, từ phụ nữ, người già đều có thể đan được các sản phẩm mây tre đơn giản, làm vào bất cứ lúc nào. Bà Đồng Thị Hiểu đã bước sang tuổi 80 là thành viên cao tuổi nhất của nhóm. Dù đã nhiều tuổi, nhưng đôi tay bà vẫn thoăn thoắt, khéo léo tạo nên những sản phẩm đan lát xinh xắn, tinh tế như làn, quạt… Bà còn hướng dẫn các thành viên trong nhóm những kỹ thuật đan lát khó như các chi tiết hoa văn, chữ lên sản phẩm. Bà Hiểu bảo, ở tuổi của bà, vẫn được lao động, có thêm thu nhập từ nghề đan lát bà thấy thật tự hào, cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa. 

Sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo hiệu quả đã giúp nhóm quảng bá được sản phẩm và kết nối thuận lợi với khách hàng.

Đặc biệt, cái hay của nghề đan lát là có thể tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên mọc quanh nhà, khắp vườn rừng Yên Phú từ cây tre, cây nứa đến cây giang, cây mây. Bà Phạm Thị Trường, thôn 3 Thống Nhất cho biết, chỉ từ nhưng cây tế, cây mây mọc xen lẫn những bãi cỏ thấp hoặc cây bụi thưa có ở khắp núi rừng Yên Phú, lâu nay bà con có mấy người nghĩ có thể tận dụng để bán được tiền, mà giờ chỉ cần bỏ chút thời gian, công sức là đã có thể biến thành những chiếc làn, chiếc hộp đựng xinh xắn, bắt mắt, chắc chăn không khác gì những sản phẩm từ đồ nhựa nhưng lại thân thiện với môi trường.

Sau 5 năm duy trì hoạt động, mặc dù không phải nghề chính song nghề mây tre đan đang là nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều phụ nữ yếu thế trong xã. Mỗi sản phẩm của nhóm có giá bán từ 20 - 300.000 đồng/chiếc tùy vào từng loại mẫu mã, kích thước, đem lại thu nhập cho mỗi thành viên trong tổ từ 2-3 triệu đồng/tháng. Vào thời điểm lễ, Tết, thu nhập lên đến 10 triệu đồng/tháng.

Càng vui mừng hơn khi những sản phẩm đan lát không chỉ được sử dụng trong mỗi gia đình mà đã trở thành sản phẩm được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Sản phẩm đan lát của nhóm được bày bán tại các chợ, một số điểm du lịch cộng đồng, tham gia hội chợ và lễ hội lớn. Sản phẩm của nhóm sản xuất ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, thu nhập ngày càng tăng. Không riêng người trong huyện, trong tỉnh, người dân ở  Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hoá… ưa thích, tìm mua. Đó cũng chính là động lực để chúng tôi tiếp tục gắn bó với nghề - bà Hoàng Thị Nhất khoe.

Chị Phạm Thị Luyến cho biết, để giúp những phụ nữ yếu thế lưu giữ và phát triển nghề mây tre đan, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với nhóm đăng quảng cáo các sản phẩm trên mạng xã hội Facebook, Zalo, nhóm đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hoá… Ngoài việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, các thành viên trong nhóm luôn tích cực tham khảo, học hỏi, nâng cao tay nghề, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới để áp dụng. Đồng thời, tích cực tìm kiếm thêm đơn vị bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên. Nhóm không chỉ tạo việc làm cho các hội viên phụ nữ mà còn đẩy mạnh thực hiện phong trào chung tay giảm thiểu rác thải sinh hoạt, chống rác thải nhựa.

Phóng sự: Vân Anh

Tin cùng chuyên mục