Nâng tầm nghề chè truyền thống

- Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề chè nên từ nhỏ, ông Phạm Văn Minh, thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương) đã đam mê với cây chè. Lớn lên, khao khát nâng tầm đặc sản chè của quê hương càng mãnh liệt, thôi thúc ông làm ra những sản phẩm chè thơm ngon...

Đi theo cách riêng

Trong một lần sang Thái Nguyên, ông Minh có dịp được thưởng thức sản phẩm chè Tân Cương, biết được giá trị chè đặc sản ở đây cao gấp 2-3 lần so với chè truyền thống. Ông bắt đầu lân la học hỏi kỹ thuật trồng, chế biến chè VietGAP ở vùng chè nổi tiếng này. Sau một thời gian dài học nghề, ông trở về với quyết tâm sẽ nâng tầm cây chè ở chính quê hương mình. 

Nhớ lại những ngày đầu, tới lứa hái mà vườn chè rộng chỉ lưa thưa vài búp, những búp chè không xanh đen như những vườn chè được chăm sóc bằng phân hóa học, không vươn dài ngồng như dùng phân bón lá, hay trong vườn chè vẫn có khu bị sâu chích hút. Ông Minh buồn, nhưng vẫn kiên nhẫn. Ông tự động viên, làm chè VietGAP cần nhiều thời gian và công sức. Sau những tháng ngày ấy, ông cần mẫn tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm chăm chè VietGAP. Khu vườn xuất hiện thảm thực vật đa dạng hơn, đất tơi xốp hơn, giúp vườn chè của ông phần nào thoát khỏi sâu bệnh, mầm bắt đầu lên nhiều và khỏe.

Ông Phạm Văn Minh (bên phải), Tổ trưởng Tổ hợp tác chè thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương) chia sẻ kinh nghiệm
chăm sóc chè VietGAP cho các thành viên.

Ông Minh cho biết, khó khăn của nghề làm chè VietGAP chính là khâu chăm sóc phải đúng kỹ thuật, quy trình, luôn phải theo dõi và kiểm soát sâu bệnh. Trong khâu chế biến cũng cần có những bí quyết riêng để sản phẩm chè có vị thơm. Lứa chè đặc sản đầu tiên của gia đình ra lò, ông thường xuyên mang đến Khu du lịch Tân Trào để giới thiệu đến khách du lịch. Dần dần khi khách hàng đã quen thuộc và yêu thích sản phẩm chè của gia đình ông, họ tự tìm đến mua và giới thiệu cho những người thân quen khác. Theo thời gian, lượng khách hàng đến với ông ngày một đông, ông bảo như thế là bước đầu thành công.

Nâng tầm cây chè

Năm 2017, ông Minh thành lập Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP. Ông Minh nhớ lại, khi đó bà con đã quen làm theo cách thức truyền thống bao đời nay nên vận động bà con sản xuất chè VietGAP không phải là chuyện dễ dàng. Ông Minh tranh thủ các buổi họp thôn để vận động, giải thích cho bà con lợi ích lâu dài khi làm chè an toàn theo hướng VietGAP và giá trị chè mang lại. Ông Minh cho biết, năm 2018, khi thôn Cảy được công nhận Làng nghề chè, người dân trong thôn mới rục rịch chuyển đổi sang trồng giống chè Lai 1 cho năng suất, chất lượng cao. Một hộ, hai hộ, rồi dần dà, chè Lai 1 được bà con trong thôn đưa vào trồng thay thế những diện tích chè Trung du đã già cỗi. Được huyện cử cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật đến “3 cùng” với người dân suốt nhiều tháng trời, ông càng có thêm niềm tin sẽ nâng tầm giá trị sản phẩm chè trên chính quê hương mình.

Tổ hợp tác thành lập với 7 thành viên trồng 7ha chè đặc sản, quy trình sản xuất chè theo VietGAP đã được tổ lựa chọn để phát triển vùng chè gắn với xây dựng thương hiệu Chè Thanh Trà. Từ việc cải tạo giống, khâu chăm sóc, thu hái, chế biến... đều phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt. Riêng công đoạn hái chè búp tươi cũng phải theo đúng kỹ thuật, chỉ thu hái vào buổi chiều khi búp chè đã khô sương, các búp chưa đến tuổi hái không bị tận thu nên thời gian các lứa hái được rút ngắn, mang lại hiệu quả cao. Cả nương chè của tổ hợp tác hoàn toàn là hái tay. Tuy chậm hơn so với cắt bằng máy, nhưng chất lượng được bảo đảm hơn. Trong khâu chế biến, ông Minh hướng dẫn tỉ mỉ, cẩn thận, chi tiết từng công đoạn cho bà con sao cho bảo đảm có được sản phẩm tốt nhất.

Từ việc chuyển đổi trồng và sản xuất chè đặc sản, giá chè bán ra thị trường của ổ hợp tác đã tăng lên nhiều so với các năm trước. Và một điều đặc biệt, vị thơm, đượm của chè Thanh Trà không chỉ được lan rộng trên khắp thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng... Đời sống bà con đã thay đổi rõ rệt. Với năng suất đạt 1,5 tấn chè khô/ha/năm, giá bán từ 220.000 - 250.000 đồng/kg, người dân thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Qua bao thăng trầm, chè Thanh Trà của Làng nghề chè thôn Cảy đã được nhiều người tiêu dùng biết đến. Cuối năm 2021, sản phẩm chè Thanh Trà tham gia đánh giá sản phẩm OCOP  và đạt chuẩn 3 sao. Đây là yếu tố quan trọng để chè Thanh Trà có chỗ đứng vững chắc trong nước và vươn tầm xuất khẩu ra nước ngoài.

Phóng sự: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục