Người mở lối ở Khau Cau

- Khau Cau là một thôn nhỏ của xã Phúc Yên (Lâm Bình) nằm trọn dưới dãy núi Khau Cau. Người Dao Đỏ ở đây ví Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đặng Tòn Sểnh như một điểm tựa vững chãi cho dân bản. Cuộc sống của người dân Khau Cau tuy còn nhiều khó khăn song với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của ông Sểnh, diện mạo của Khau Cau đang dần tươi sáng lên, người dân có đường bê tông để đi, có cầu bắc qua suối, có nhà khang trang để ở, trâu, bò không bị chết đói, chết rét, chết bệnh như trước kia...

Làm cầu để dân đi

Tuyến đường nhựa dài hơn chục cây số từ trung tâm xã vượt qua đỉnh đèo đến Khau Cau đang dần hoàn thiện. Để Nhà nước thi công được tuyến đường này có 47 hộ ở Khau Cau hiến trên 32 nghìnm2 đất. Kết quả đó có công lớn của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đặng Tòn Sểnh. Năm 2020, Khau Cau cũng đã được Nhà nước đầu tư điện lưới quốc gia. Năm ngoái, nhân dân trong thôn cũng bỏ công sức, tiền của để bê tông hóa 840 mét đường liên thôn. Giờ đây, Khau Cau đã có 95% đường nội thôn được bê tông hóa, gần 90% đường nội đồng được kiên cố hóa. Điện, đường đã gần hoàn thiện thế nhưng với ông Sểnh vẫn luôn đau đáu một mong muốn. Trong thôn có con suối lớn chạy uốn quanh thôn. Vào mùa mưa bão, nước suối dâng cao, chảy siết khiến cho chục hộ dân sinh sống bên kia suối không thể đi qua, bị cô lập với trung tâm của thôn. Trẻ em cũng phải nghỉ học, đợi vài ba ngày, nước suối rút mới có thể đi học được bình thường.

Chiếc cầu bắc qua suối do Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đặng Tòn Sểnh vận động, xã hội hóa thực hiện.

Chứng kiến cảnh đó, ông Sểnh, nhiều hôm mất ăn, mất ngủ. Nhiều lần xuống huyện, ông “nghe ngóng” có chương trình, dự án, nguồn vốn nào hợp lý để đề xuất với huyện làm cầu cho dân. Thế rồi, trong một lần đi tập huấn về chương trình chăm sóc trẻ em của Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại huyện, ông Sểnh đã đề xuất với Tổ chức này hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cầu qua suối cho nhân dân trong thôn. Đề xuất của ông được chấp thuận ngay sau đó. Thế nhưng tổ chức này chỉ hỗ trợ thôn vật liệu, còn ông phải vận động nhân dân đóng góp tiền mua cốt pha, cây chống, công xây cầu. Ông Sểnh lại đi từng hộ tuyên truyền, vận động. Một số hộ bảo: “Nhà tôi ở bên này suối, không ảnh hưởng gì, không đóng góp đâu”. Gặp phải những câu nói như vậy, ông Sểnh chắc mẩm vận động sẽ khó khăn nhưng ông không nản chí. Gặp ở đâu ông tuyên truyền đó. Ông bảo với những hộ không đóng góp: “Trong thôn, ai cũng ủng hộ, đóng góp, mình không đóng góp, không chia sẻ với nhau thì có xấu hổ không”. Ông kiên trì vận động, thuyết phục rồi cuối cùng, hộ “cứng đầu, cứng cổ” nhất cũng phải nghe theo. Cả thôn đóng góp được 43 triệu đồng để mua vật liệu, thuê thợ xây cầu. Chỉ trong vòng một tháng, cầu xây xong với chiều rộng 3 mét, chiều dài 12 mét. Có cầu mới, việc vận chuyển xi măng, cát, sỏi để làm đường bê tông sang chục hộ bên kia suối dễ dàng hơn nhiều.

Ông Triệu Tòn Liều, một trong chục hộ bên kia suối phấn khởi nói: “Giờ mưa to, nước suối dâng cao cũng không sợ nữa. Bọn trẻ đi học đều đặn, người lớn an tâm hơn rồi”.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đặng Tòn Sểnh (người mặc áo đen) tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng đến nhân dân.

Làm trước để dân tin

Đồng chí Đặng Văn Pham, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Yên kể, thế mạnh chính của thôn là chăn nuôi đại gia súc, thế nhưng mấy năm trước, hầu như các hộ nuôi trâu, bò ở Khau Cau chẳng có hộ nào chịu tiêm phòng cho đàn gia súc. Bà con trong thôn cũng chưa biết cách tránh rét và dự trữ thức ăn cho trâu, bò vào mùa rét. Vì vậy, có năm, trâu bị bệnh tụ huyết trùng, bị rét và đói chết đến hơn chục con. Tìm hiểu nguyên nhân, ông Sểnh nhận ra đó là do bà con chưa nắm được kỹ thuật chăn nuôi trâu, nhất là không chịu tiêm phòng cho trâu và chưa nắm được phương pháp phòng, tránh rét, dự trữ thức ăn vào mùa đông cho trâu, bò. Nghe nói ở xã, huyện có lớp tập huấn nào về chăn nuôi trâu, bò, ông Sểnh cũng xin tham gia học tập. Ông đem những kiến thức được tập huấn về phổ biến cho bà con. Vào mùa rét, ông đến từng hộ nuôi trâu để hướng dẫn, nhắc nhở  bà con quây bạt xung quanh chuồng trại, giữ ấm và dự trữ thức ăn cho trâu, bò.

Ông Sểnh cũng là hộ đi đầu trong chăn nuôi trâu bò sinh sản. Lúc nhiều nhất, gia đình ông nuôi tới 13 con trâu, bò. Cứ đến đợt tiêm phòng cho gia súc, ông đăng ký đầu tiên để làm gương cho bà con làm theo. Sau khi tiêm phòng cho trâu, bò của gia đình, ông đi tuyên truyền từng hộ nuôi trâu, bò thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Ông bảo: “Nhà tôi đều tiêm phòng đầy đủ mà trâu, bò có làm sao đâu. Bà con phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ, đừng để trâu, bò mắc bệnh. Chỉ không tiêm phòng thì trâu mới dễ mắc bệnh. Sau tiêm, trâu, bò của bà con làm sao thì tội đâu tôi chịu”.

Nhiều hộ ở Khau Cau đã có nhà kiên cố, trang trang.

Thấy ông Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn nói vậy, nhiều hộ từ chỗ dè dặt tiêm phòng cho trâu, bò đã thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Đến nay, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc ở Khau Cau đạt tới 97%. 

Ở Khau Cau, nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm có kinh tế ổn định nhưng chưa muốn chỉnh trang lại nhà cửa. Những năm trước đây, tỷ lệ hộ gia đình có nhà xây kiên cố còn thấp. Ông Sểnh bàn với vợ, sau khi bán 7 con bò sẽ sửa sang lại nhà cửa cho đàng hoàng. Ông bảo: “Mình cứ làm trước để bà con làm theo”. Nói là làm, năm 2020, sau khi bán đi 7 con bò, ông Sểnh dỡ ngôi nhà cũ làm lại ngôi nhà mới khang trang, sạch sẽ, có công trình phụ khép kín. Trước đây đến Khau Cau, hỏi thăm vào nhà ông Sểnh, ai cũng chỉ ngôi nhà đẹp nhất là nhà của ông. Thế nhưng bây giờ giữ vị trí độc tôn có ngôi nhà đẹp nhất Khau Cau không còn là của ông Sểnh nữa mà còn có nhiều nhà của bà con đẹp như vậy. Bản thân mình làm trước, ông Sểnh còn vận động các đảng viên khác trong chi bộ thực hiện. Sau ông Sểnh còn có đảng viên Lý Văn Sủ, Triệu Tài Liều... cũng làm nhà mới và các công trình vệ sinh đạt chuẩn. Hiện nay, 16 đảng viên trong Chi bộ Khau Cau đều đã có nhà xây kiên cố, có công trình vệ sinh đạt chuẩn. Khau Cau hiện có trên 70% hộ gia đình có nhà xây kiên cố và 60% hộ gia đình có ba công trình vệ sinh đạt chuẩn.

Đồng chí Nguyễn Văn Tôn, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Yên cho biết, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đặng Tòn Sểnh luôn hết lòng với việc chung, việc của dân. Việc gì mang lại lợi ích cho nhân dân, ông Sểnh đều làm hết mình. Những việc Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đặng Tòn Sểnh làm những năm qua đã giúp cho đời sống của người dân Khau Cau vơi bớt nhọc nhằn, từng bước có cuộc sống đầy đủ, tiến kịp với những nơi khác.

Ông Triệu Văn Sai, người dân thôn Khau Cau bày tỏ: “Ở Khau Cau này, đời sống của người dân đổi thay nhiều như hôm nay có công lớn của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đặng Tòn Sểnh. Ông Sểnh luôn nói đi đôi với làm nên nhân dân tin tưởng và đồng thuận cao”. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đặng Tòn Sểnh luôn tâm niệm, là người đứng đầu thôn thì bản thân ông phải gương mẫu trong những việc mới, việc khó. Có như vậy thì bà con mới tin tưởng mà làm theo. Chẳng thế mà 15 năm làm Bí thư Chi bộ, nhiều lúc, ông cũng muốn để cho “tụi trẻ nó lên làm” thế nhưng bà con không nghe. Mà ông Sểnh cho rằng, đã làm thì ra làm, không được phụ lại niềm tin của nhân dân, giúp dân chính là giúp mình.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục