Nhịp sống mới ở Yên Thuận

- Vượt qua quãng đường hơn 70 km, chúng tôi trở lại xã Yên Thuận (Hàm Yên) vào những ngày cuối tháng 6. Xã xa nhất của huyện đang có những công trình điện thắp sáng, trường học, trạm y tế, trụ sở xã, đường giao thông tới các thôn... được xây dựng khang trang, kiên cố. Những đồi cam, nương chè, ruộng lúa xanh ngát, tràn đầy sức sống, thấp thoáng là những ngôi nhà sàn, nhà xây lợp tôn. Tiếng nói cười của những cô gái Mông, Dao đang vào vụ thu hái chè vang rộn cả núi rừng...

Điện về thắp sáng bản làng

Cùng với con đường bê tông dài gần 10 km nối từ trung tâm xã lên thôn Khau Làng, Cao Đường hai bên là những hàng cột điện đã đưa điện lưới quốc gia thắp sáng những ngôi nhà nơi vùng cao này. Khau Làng và Cao Đường là 2 thôn thuộc vùng 135, đồng bào dân tộc Mông và Dao chiếm phần lớn dân số. Đồng chí Dương Minh Toàn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Cao Đường nhớ lại, trước đây chưa có điện, nhân dân phải khắc phục bằng cách sử dụng các máy phát điện nhỏ chạy bằng sức nước. Dòng điện phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên nên không ổn định và rất yếu. Nhiều gia đình mua ti vi, tủ lạnh cũng chỉ để “làm cảnh” vì điện quá yếu không thể sử dụng được. Không có điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt nên cuộc sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, đời sống văn hóa tinh thần thiếu thốn.

Đầu năm 2019, dự án kéo điện về 2 thôn Cao Đường, Khau Làng có chiều dài hơn 9 km, kinh phí gần 12 tỷ đồng được hoàn thành. Sau nhiều năm sống dưới ánh đèn dầu nay được sử dụng điện lưới quốc gia, nhân dân rất phấn khởi. Từ ngày có điện, gần 150 hộ dân ở 2 thôn Khau Làng, Cao Đường như được tiếp thêm luồng sinh khí mới. Người dân được tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật, để áp dụng những cách làm hay vào sản xuất. Đặc biệt, nhiều hộ dân đã tận dụng nguồn điện vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

  Nhờ có điện đời sống vật chất và tinh thần của người dân thôn Cao Đường được nâng cao.

Anh Đặng Văn Thạch, thôn Khau Làng cho biết, từ ngày có điện, anh được tiếp cận rất nhiều kỹ thuật canh tác nông, lâm nghiệp như trồng rừng, làm lúa nước, cách phòng chống bệnh cho lợn, trâu, bò. Nhờ đó mà hiệu quả sản xuất được cải thiện rõ nét, năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên. Cùng với đó, anh đã đầu tư hơn 20 triệu đồng để mua máy xay xát phục vụ nhu cầu của gia đình và người dân trong thôn.

Chia tay thôn Khau Làng, Cao Đường, chúng tôi đến thôn Sơn Thủy là thôn xa nhất của xã vùng cao Yên Thuận. Trên con đường bê tông thẳng tắp, rộng thênh thang, trải dài các sườn đồi là những vườn chè xanh mát. Ông Phạm Quang Khởi, Trưởng thôn Sơn Thủy nói, Sơn Thủy có hơn 80 hộ dân với gần 400 nhân khẩu. do nằm ở vị trí xa xôi, giao thông đi lại khó khăn, nên mãi nguồn điện lưới quốc gia không đến được với người dân thôn Sơn Thủy. Do vậy mà hơn 150 ha chè của thôn, người dân chỉ bán chè búp tươi cho thương lái ở huyện Bắc Quang (Hà Giang), hiệu quả kinh tế không cao. Niềm vui như vỡ òa khi tháng 6-2021, thôn được đầu tư trạm biến áp từ dự án cấp điện nông thôn. Từ khi có điện lưới quốc gia, người dân trong thôn đã đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Ánh sáng điện đi tới đâu, cái nghèo khó, cái lạc hậu bị đẩy lùi xa đến đó.

Ông Phạm Văn Bừng, thôn Sơn Thủy cho biết, gia đình ông có 4 ha chè, mỗi năm cho thu hoạch trên 50 tấn chè búp tươi. Trước đây, do không có điện lưới, ông chỉ bán sản phẩm thô với giá từ 2.500 -3.000 đồng/kg cho thương lái, trừ hết chi phí lời lãi chẳng còn là bao. Ngay khi có điện lưới, gia đình ông đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến chè, lắp hệ thống điện 3 pha và thành lập Hợp tác xã Chè xanh Thuận Thủy với hơn 11 thành viên tham gia. Sản phẩm chè xanh được chế biến tại xưởng được cung cấp ra thị trường với giá từ 130.000 đồng/kg cao gấp nhiều lần so với bán chè búp tươi, mang lại nguồn thu nhập cao cho các thành viên hợp tác xã.

Khát vọng làm giàu

Vài năm trở về trước, công tác giảm nghèo ở xã vùng cao Yên Thuận còn nhiều khó khăn, bởi tư tưởng trông chờ,  ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều người dân không muốn thoát nghèo để được hỗ trợ. Nhưng giờ đây khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân được khơi dậy mạnh mẽ.

Gia đình ông Giàng Seo Lự, dân tộc Mông, thôn Cao Đường là một điển hình. Từ mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản và phát triển kinh tế dưới tán rừng đã giúp gia đình ông thoát nghèo và trở thành hộ khá của thôn. Ông Lự chia sẻ, năm 2006, gia đình ông chuyển từ Hoàng Su Phì về thôn Cao Đường sinh sống. Hết mùa gieo hạt, chăm sóc, thu hái từ trồng lúa nương, ngô, trồng rau cải, nuôi gà, nuôi lợn, nuôi trâu nhưng cái nghèo vẫn mãi đeo bám. Tới những năm 2010, tận dụng lợi thế đồng cỏ rộng, ông tìm hướng phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản.

  Người dân được tạo điều kiện giải quyết thủ tục hành chính tại UBND xã Yên Thuận (Hàm Yên).

Ban đầu từ 1 con trâu, 5 năm trở lại đây, ông luôn duy trì tổng đàn trâu, bò từ 16 đến 18 con, trong đó có đến một nửa là trâu, bò cái sinh sản. Năm 2018, nhận thấy lợi ích kinh tế cao từ cây dược liệu, ông mạnh dạn đầu tư trồng Sa nhân dưới tán rừng. Cây Sa nhân thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển tốt. Năm 2020, ông thu hoạch 1 tạ quả, thu về hơn 50 triệu đồng. Sẵn giống, ông tiếp tục tỉa mở rộng diện tích trồng Sa nhân lên hơn 1 ha. Đến nay, mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản và phát triển kinh tế dưới tán rừng mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam của gia đình, anh Ma Việt Hùng, thôn Bá chia sẻ, với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, cùng bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, anh đã tích cực tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc cam, mạnh dạn đầu tư trồng hơn 400 gốc cam và kinh doanh cửa hàng tạp hóa. Với mô hình kinh tế tổng hợp này đã đem lại thu nhập 300 triệu đồng/năm cho gia đình anh.

Quả vậy, Yên Thuận hôm nay là những cánh rừng trù phú, đồi cây ăn quả, vườn chè xanh ngát, gia trại với đủ loại vật nuôi... Đồng chí Nguyễn Đức Lời, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thuận cho biết, hiện toàn xã có 344 ha chè; 756 ha rừng sản xuất và 644 ha cam sành. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm;  tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 42%; 100% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% trẻ em được đến trường đúng độ tuổi; 77% hộ được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh…

Rời Yên Thuận chúng tôi mang theo niềm vui, niềm tin về vùng quê đang “thay da đổi thịt” căng tràn sức sống sẽ thêm khởi sắc và phát triển bền vững, góp phần chung tay để huyện Hàm Yên về đích nông thôn mới vào năm 2025.

Phóng sự: Vân Anh

Tin cùng chuyên mục