Tất cả là thanh xuân

- Những ngày cuối tháng 12, tôi cùng Tỉnh đoàn đến thăm mô hình phát triển kinh tế của anh Bùi Hải Nam, Bí thư Chi đoàn thôn Soi Long, xã Thái Hòa (Hàm Yên). Dẫn chúng tôi thăm những hàng bưởi sai trĩu quả, những lồng đầy ắp cá, chia sẻ về những kinh nghiệm mình đã có được trong những năm tháng vừa qua, anh Nam tự hào nói: “Tất cả là thanh xuân của em, là những thăng trầm của tuổi trẻ...”.

Anh Bùi Hải Nam (giữa), thôn Soi Long, xã Thái Hòa (Hàm Yên) giới thiệu về mô hình nuôi cá lồng của mình.

Mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm

Dẫn đoàn đi tham quan vườn bưởi, nhãn, vải và lồng cá, anh Nam chia sẻ về quá trình khởi nghiệp đáng nhớ của mình. Ban đầu anh cũng lựa chọn con đường học đại học. Tuy nhiên, sau khi học hết năm thứ 2, anh đã quyết định nghỉ học để về nhà phát triển kinh tế. Anh tâm sự, dù rất tiếc nhưng với hoàn cảnh gia đình lúc đó, việc nghỉ học để tập trung phát triển kinh tế có lẽ là quyết định đúng đắn nhất anh có thể làm.

Nghỉ học, anh đi Hưng Yên là quê của bà nội anh để tìm hiểu cách chăm sóc nhãn lồng. Anh đặc biệt chú ý đến các giai đoạn bón phân, khoanh gốc ép hoa sao cho quả được ngọt và không bị sâu cuống. Anh lên thị trấn Hàm Yên để học cách chăm sóc vải, bưởi Diễn, bưởi tiến vua của người quen. Đặc biệt anh đầu tư trồng bưởi tiến vua. Đây là loại bưởi được nhiều người lựa chọn bày ban thờ, vì vậy, bưởi bán tại vườn đã có lúc lên đến 30-50 nghìn đồng/quả. Mỗi cây có thể cho từ 150-200 trái/năm. Sau khi đầu tư vào hơn 1 mẫu vườn trồng các loại nhãn, bưởi, vải, anh bắt tay vào làm lồng cá.

Ban đầu anh Nam chọn nuôi 2 lồng cá chiên, là loại cá đặc sản cho giá trị kinh tế cao đang được nuôi nhiều tại địa phương anh. Cá chiên tuy cho thu nhập cao nhưng nuôi 2 năm trở lên mới được thu hoạch. Chi phí đầu tư vào cá lớn, lâu xoay vòng và nhiều dịch bệnh nên lứa đầu thu hoạch anh lãi được hơn 100 triệu, đến lứa thứ 2 anh lỗ gần 50 triệu đồng. Tính ra, sau 2 năm trừ chi phí anh chỉ thu về được 50 triệu đồng. Với người làm kinh tế, số lợi nhuận thu về sau 2 năm đó coi như “thất bại”.

Sau nhiều ngày tính toán, tìm hiểu trên báo, đài và những người đi trước anh đã chuyển sang chăn nuôi cá rô phi đơn tính và cá trắm cỏ. Mỗi lồng rô phi anh thả khoảng 500 con. Nuôi cá rô phi chi phí đầu tư thấp, ít bệnh, 4 tháng đã cho xuất bán với trọng lượng từ 1,5kg - 2kg. Với giá thu mua tại lồng là 40 nghìn đồng/kg, mỗi lứa cá anh lãi khoảng hơn 10 triệu đồng.

Anh Bùi Hải Nam, thôn Soi Long, xã Thái Hòa (Hàm Yên) với mô hình trồng bưởi của mình.

Những “trái ngọt”...

Hiện nay, anh Nam có khoảng hơn 1 mẫu trồng 100 gốc nhãn lồng Hưng Yên, 30 gốc bưởi tiến vua, 40 gốc bưởi Diễn và hơn 50 gốc vải u hồng hơn 6 năm tuổi và 5 lồng cá. Năm 2021, trừ chi phí anh thu về hơn 200 triệu đồng.

Với vai trò là Bí thư Chi đoàn thôn, anh Nam luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các bạn trẻ đang còn loay hoay đi tìm hướng phát triển kinh tế. Anh Nam nghĩ rằng, không phải ai cũng may mắn lựa chọn đúng con đường đi và cũng không phải ai cũng may mắn đi hết con đường mình đã chọn. Tuy nhiên, nếu có sự định hướng, có người chia sẻ kinh nghiệm thì phần trăm thành công sẽ cao hơn rất nhiều. 

Tham quan mô hình kinh tế của anh Nam, đồng chí Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh nhận định đây là mô hình kinh tế có tiềm năng phát triển và phù hợp với thanh niên. Tổ chức Đoàn luôn sẵn sàng đồng hành, định hướng và tìm kiếm những chương trình hỗ trợ phù hợp để giúp đỡ các mô hình có cơ hội phát triển.

Thời gian tới, ngoài việc chăm sóc cây theo đúng chu kỳ để cho hiệu quả kinh tế cao nhất, anh Nam có dự định đầu tư mở rộng thêm khoảng 10 lồng cá. Anh vẫn tập trung chủ yếu vào chăn nuôi cá rô phi đơn tính bởi giá trị kinh tế mà nó mang lại. Chắc chắn, với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong thời gian qua, anh Nam sẽ thực hiện tốt những dự định của mình và truyền tải được những năng lượng tích cực đối với các bạn đoàn viên, thanh niên đang tìm kiếm con đường khởi nghiệp...

Ghi chép: Thu Trang

Tin cùng chuyên mục