Xuân mới ATK Yên Sơn

- Xuân này ở ATK Yên Sơn như được khoác trên mình tấm áo mới. Từ con đường, cây cầu, nhà văn hóa thôn đến trường học, trụ sở làm việc của các cơ quan đã và đang được xây dựng khang trang. Đồng bào Mông, Nùng, Dao, Tày, Kinh... cùng đoàn kết, phát triển kinh tế, giữ gìn văn hóa của các dân tộc, tạo nên bức tranh đa màu sắc cho vùng chiến khu cách mạng.

Thay áo mới

Những ngày đầu năm mới Xuân Quý Mão 2023 đến với vùng đất ATK Yên Sơn, điều mà ai cũng cảm nhận rõ đó là sự thay đổi của mảnh đất này. Đường giao thông, cầu qua sông, qua suối, trường học, trụ sở làm việc… đã và đang được đầu tư mạnh mẽ.

Xã Kim Quan là xã đầu tiên của vùng đất ATK về đích nông thôn mới, hiện xã đang tiếp tục thực hiện nông thôn mới nâng cao. Đồng chí Trọng Văn Vĩnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim Quan cho biết: năm 2019 xã Kim Quan đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đó là đòn bẩy để xã tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm. Hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện với 100% đường trục xã, đường ngõ xóm, đường nội đồng đã được cứng hóa. Hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông lâm nghiệp. 100% trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia; 7/7 thôn đều có nhà văn hóa khang trang. Xã không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Đường về xã Kim Quan (Yên Sơn) hôm nay.

Ông Triệu Đức Hòa, thôn Làng Nhà, xã Kim Quan chia sẻ, so với trước đây, đời sống của người dân đã được cải thiện. Đường sá thuận lợi, người dân có nhà ở kiên cố, kênh mương thủy lợi đã đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Các con của ông Hòa đều có việc làm ổn định, cuộc sống ngày càng đầy đủ hơn.

Tết đầu tiên người Mông trên núi Khau Đéc, thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi có điện. Ông Lý Văn Sình, phấn khởi bảo, bao năm mơ ước hôm nay đã thành sự thật. Ánh điện đã về bản Mông. Đây sẽ là điều kiện để người Mông phát triển hơn, bớt đi nghèo khó. Mừng hơn nữa là cây cầu bắc qua sông Phó Đáy đã lao dầm, nay mai xong, thôn sẽ không bị cô lập vào mùa mưa như trước nữa. Giờ con đường lên thôn được bê tông nữa là Khuổi Ma thật sự đổi mới.

Thôn Khuổi Ma cách trung tâm xã Hùng Lợi gần 13 km đường đồi dốc. Thôn có trên 60 hộ dân tộc Mông. Đời sống người dân rất vất vả khi không có đường ô tô lên trung tâm, không có điện. Nhưng từ chính sách hỗ trợ đời sống đồng bào dân tộc Mông của Đảng, Nhà nước, thôn đã có đường ô tô đến trung tâm thôn và đầu năm 2023 người dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Trưởng thôn Khuổi Ma Sầm Văn Páo bảo: “Người Mông vui lắm! Thôn có lớp học, có điện và nay mai có cầu nữa. Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 của người Mông ở Khuổi Ma ăn to nhất từ trước đến nay”.

Điểm trường Đức Uy, trường Tiểu học Trung Sơn, xã Trung Sơn (Yên Sơn) được xây dựng khang trang.

Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi Linh Văn Chi cho biết, những năm gần đây, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư nhiều công trình hạ tầng trên địa bàn xã như: cầu, đường, trường học và hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong năm 2023 hoàn thành thêm 2 cây cầu qua sông, suối, trường THCS nữa thì hạ tầng của xã bớt khó khăn nhiều.  

Kỳ vọng năm mới

Cây cầu bắc qua sông Phó Đáy đang hình thành từng ngày. Ông Hoàng Văn Tuyến, Trưởng thôn Bum Kẹn, xã Hùng Lợi vui mừng: “Tết này, người Mông, người Dao ở Bum Kẹn vui nhất vì cuộc sống đã bớt khó khăn. Người dân mong trong năm 2023 sẽ được đi cây cầu bắc qua sông Phó Đáy nối hai bờ sông, giao thông thuận tiện 4 mùa. Có cầu, thôn sẽ phát triển tốt hơn 200 ha rừng trồng, nuôi trâu, bò, lợn, gà… mở hướng thoát nghèo”.

Đón Tết trong căn nhà xây 2 tầng khang trang, anh Hoàng Văn Sành, dân tộc Mông, thôn Bum Kẹn khoe, năm nay mổ hẳn con lợn 70 kg ăn Tết và khao anh em vì làm được ngôi nhà mới. Anh kể, xây nhà tất thảy trị giá 800 triệu đồng. Đó là tiền tích cóp bán 5 ha gỗ rừng trồng, trồng ngô, khoai sắn gần chục năm qua. Nay được tỉnh, huyện làm cầu, làm đường vào thôn, chả mấy chốc Bum Kẹn sẽ có nhiều nhà bứt lên. Cái nghèo sẽ giảm dần.

Cầu bắc qua sông Phó Đáy tại thôn Bum Kẹn, xã Hùng Lợi đang được xây dựng.

Ngòi Nghìn là thôn xa nhất, cao nhất của xã ATK Đạo Viện. Trên con đường bê tông dốc thẳng đứng là những rặng cây keo đang độ khép tán. Ông Đinh Thanh Tùng, Trưởng thôn Ngòi Nghìn nói, Ngòi Nghìn có hơn 76 hộ dân tộc Mông. Do nằm ở vị trí xa xôi, giao thông đi lại khó khăn, nên mãi nguồn điện lưới quốc gia không đến được với người dân trong thôn. Nay thôn có điện, có đường bê tông, có lớp học mầm non cho trẻ. Hiện tuyến đường nối Ngòi Nghìn với xã Tân Tiến dài hơn 2 km đang được thi công. Năm 2023, đường xong người dân sẽ có thêm con đường nữa giao thương với các xã vùng thượng huyện Yên Sơn. Điều kiện sống tốt hơn, người Mông sẽ nỗ lực phát triển kinh tế để đẩy xa cái nghèo trong những năm tới.

Ông Giàng A Páo, thôn Ngòi Nghìn là một trong những hộ đi đầu của thôn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. 3 sào ruộng, hàng năm ông gieo cấy 2 vụ lúa, trồng một vụ ngô đông, duy trì chăn nuôi 4 con bò, 5 con lợn và 6 con dê. Ngoài ra, ông còn liên kết với Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ 2 ha rừng. Từ năm 2015, gia đình ông đã khai thác được một chu kỳ và đang thực hiện chăm sóc chu kỳ hai, nhờ đó đời sống của gia đình ông được nâng lên, xây được nhà và mua sắm được nhiều tiện nghi khác.

Nhà nước hỗ trợ, người dân nỗ lực, xã Đạo Viện đang từng bước hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Nguyễn Đình Tứ, Bí thư Đảng ủy xã Đạo Viện khẳng định, xã đang nỗ lực toàn diện để bứt phá về kinh tế, xã hội. Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, giảm nghèo để xây dựng cuộc sống mới, nông thôn mới bền vững. 

Bức tranh nông thôn mới đang dần hiện hữu trên vùng ATK Yên Sơn, kỳ vọng năm 2023 và những năm tới, vùng đất này sẽ “thay da đổi thịt” để vùng cách mạng năm xưa trở thành vùng đất vừa linh thiêng, bản sắc vừa giàu đẹp.

Phóng sự: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục