Về quê lập nghiệp
Hôm đấy, trời mưa nhưng anh Luyện vẫn đến trại lợn từ sáng sớm để kiểm tra. Trong lúc chờ anh, chúng tôi tranh thủ thăm vườn ổi, bưởi rộng hơn 1ha của gia đình. Hàng nghìn cây ổi, bưởi xanh tốt, đang bắt đầu cho trái, hứa hẹn cho một mùa bội thu. Khoảng một tiếng sau, một thanh niên quần ống thấp, ống cao tất tả về nhà. Vợ anh Luyện bảo, mưa gió mà không chịu ở yên đâu, chỉ lo đàn lợn ốm thôi. Luyện bảo, thì thời tiết mưa nắng thất thường thế này phải kiểm tra, theo dõi sức khỏe lợn thường xuyên thì mới yên tâm được.
Nhanh tay pha ấm chè, vợ anh đon đả mang đĩa ổi trong vườn nhà mời khách. Câu chuyện được mở ra bên hương ổi dịu nhẹ. Anh Luyện kể về những tháng ngày khởi nghiệp đầy gian truân của mình. Năm 2008, sau khi học xong cấp 3, anh đi làm ăn xa nhà. Cuộc sống nay đây, mai đó, làm thuê đủ thứ nghề nhưng cũng chẳng tích lũy được bao nhiêu. Anh bảo: “Đêm đến nằm nghĩ, cứ mãi kiếp làm thuê thế này thì bao giờ mới khá lên được. Xa gia đình, người thân trong khi đồng lương bèo bọt, cực chẳng đã sau 2 năm tôi khăn gói từ huyện Hoài Đức (Hà Nội) về quê, quyết tâm làm giàu ở nơi mình sinh ra”.
Vườn cây ăn quả rộng hơn 1ha của gia đình anh Nguyễn Văn Luyện, thôn 20, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang).
Về quê lấy vợ, rồi anh được bố mẹ cho tiếp quản lại vườn cây ăn quả. Luyện nhận ra, đây là cơ hội để hiện thực hóa ước mơ làm giàu của mình. Thế là bao nhiêu của cải, vốn liếng tích cóp trong những năm làm thuê và của hồi môn của hai vợ chồng được anh đầu tư vào chăm sóc vườn cây. Bằng sự nhạy bén của tuổi trẻ, anh tập trung nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật làm nông nghiệp, cải tạo chăm sóc theo hướng VietGAP. Vườn cây ăn quả rộng hơn 1 ha được đầu tư chăm sóc bài bản, đạt năng suất, chất lượng. Sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Nguồn thu từ ổi năm nhiều được tới 350 triệu đồng, năm ít cũng được 200 triệu đồng. Đấy là chưa kể thu thêm 100-200 triệu đồng từ cây bưởi.
Có tiền, anh không bồng bột tiêu hoang mà đầu tư lại cho vườn, một phần tích lũy và tìm hướng mở rộng phát triển kinh tế. Những tháng ngày làm vườn, anh Luyện nghĩ đến phát triển thêm chăn nuôi lợn. Đầu tư hệ thống chuồng trại một cách quy mô, bài bản, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của thị trường. Anh Luyện vừa kể, vừa nhoẻn miệng cười, ánh mắt ngời lên khát vọng làm giàu.
Vượt “bão”
Có của ăn, của để, năm 2015 anh Luyện hiện thực hóa việc chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học mà anh đã lên ý tưởng từ lâu. Anh đầu tư 150 triệu đồng làm chuồng kiên cố đủ nuôi 100 con lợn thịt/lứa. Để thực hiện có hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, anh đã tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế từ các trang trại khác đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong, ngoài tỉnh. Ngoài ra, anh còn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn do các công ty cung cấp thức ăn, công ty thuốc thú y và các cơ quan chuyên môn của thành phố, tỉnh tổ chức. Với sự quyết tâm và sự chịu khó học hỏi, anh đã xây dựng hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn bán tự động. Năm đầu tiên anh quay vòng được 2,5 lứa. Trung bình mỗi lứa lãi từ 110-120 triệu đồng.
Ổn định sản xuất được 3 năm, anh Luyện gặp biến cố lớn. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu bùng phát và lan rộng trong cả nước. Đàn lợn của Luyện cũng không ngoại lệ. Dù có tiếng là người cẩn thận trong chăn nuôi nhưng vẫn không thể nào khống chế được sự lây lan của dịch bệnh. Từ dãy chuồng lớn đến dãy chuồng nhỏ, đàn lợn cứ thi nhau ốm, chết hàng loạt, tìm đủ mọi cách điều trị nhưng vẫn vô phương cứu chữa. Chứng kiến cả gia đình cùng lực lượng chức năng vận chuyển đàn lợn cả 50 con đi tiêu hủy mà nước mắt cứ chảy vào trong. Dù Nhà nước có hỗ trợ nhưng cũng chỉ được phần nào, chứ không thể bù đắp được hết số tiền mà anh đã đầu tư.
Anh Nguyễn Văn Luyện (bên phải), thôn 20, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) giới thiệu mô hình chăn nuôi lợn qua camera.
Cả năm đó, anh Luyện nghỉ nuôi lợn và dành hết thời gian cho công tác phòng dịch, xử lý mầm bệnh. Dự đoán được thị trường sẽ khan hàng sau dịch bệnh, trong lúc xử lý mầm bệnh, anh Luyện tranh thủ đầu tư thêm 450 triệu đồng xây dự hệ thống chuồng trại kiên cố, quy mô, bài bản hơn. Mở rộng diện tích chăn nuôi từ 300 m2 lên 1.000 m2, đủ nuôi 200 - 300 con/lứa. Vừa mất trắng 1 đàn lợn, anh lại quyết tâm mở rộng quy mô, gia đình ai cũng gàn. “Làm ăn thì phải liều nhưng có sự tính toán, chứ không phải làm bừa. Làm kinh tế mà không thay đổi tư duy thì lại hoàn nghèo” - anh Luyện chia sẻ.
Đầu năm 2020, anh Luyện bắt đầu tái đàn, với 50 con lợn nái, 200 con lợn thịt. Sau đợt dịch ấy, anh quyết định nuôi 50 con lợn nái để chủ động được nguồn giống trong chăn nuôi. Luyện cho rằng, cứ đi nhập giống thì cũng chẳng khác nào nhập cả dịch bệnh về. Để theo dõi sát sao hơn nữa, anh lên danh sách tiêm phòng cho từng đàn lợn. Thức ăn, nước uống, khoáng chất cho lợn cũng được anh lựa chọn kỹ càng. Các dãy chuồng trại bắt đầu kín lợn trở lại, không có lợn ốm nữa.
Giới thiệu hệ thống chuồng lợn qua hệ thống camera, anh Luyện bảo, chăn nuôi lợn phải phòng dịch nghiêm ngặt. Chị muốn chụp hình thì phải sát khuẩn kỹ lưỡng để hạn chế cao nhất nguy cơ lây nhiễm bệnh cho đàn lợn. Trải qua bài học đáng nhớ, Luyện thận trọng hơn trong từng bước phát triển quy mô trang trại. Anh tập trung vào ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi. Giờ đây khâu cho lợn ăn, uống đều được tự động hóa, nhiệt độ, ánh sáng đều được kiểm soát, điều chỉnh phù hợp. Với mô hình này, cả đàn lợn gần 300 con cũng chỉ cần 2 vợ chồng Luyện thay nhau chăm sóc, không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân công mà còn hạn chế người ra vào giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Từ đầu năm đến nay, anh đã xuất bán 100 con lợn thịt, trọng lượng trung bình 110kg/con, giá bán 53.000 - 55.000 đồng/kg lợn hơi, thu được 600 triệu đồng; xuất bán 100 con lợn giống đạt trọng lượng từ 8 - 10kg/con, giá bán dao động 3 - 3,2 triệu đồng/con. Doanh thu từ bán lợn đạt ngót 1 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Trí Tuệ, Phó Bí thư Đoàn xã Kim Phú vui mừng cho biết, anh Nguyễn Văn Luyện đã khởi nghiệp thành công với mô hình trồng cây ăn quả và nuôi lợn công nghệ cao mang lại hiệu quả. Đây là mô hình điển hình của xã khẳng định sự năng động của thanh niên, mạnh dạn tìm hướng đi mới, làm giàu trên chính quê hương. Anh Luyện đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, cung cấp con giống cho người dân và đoàn viên thanh niên trong và ngoài xã có nhu cầu. Đó là những “phú nông” áo xanh, góp phần khẳng định sức trẻ trong thời kỳ hội nhập.
Gửi phản hồi
In bài viết