Những năm tháng không quên
Năm 1959, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đoàn 559, nhiệm vụ tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự chi viện chiến trường miền Nam. 16 năm (1959 - 1975), bộ đội Trường Sơn đã xây dựng gần 17.000 km đường xe cơ giới, hơn 3.000 km đường giao liên, 1.400 km đường ống xăng dầu, vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí… Trong những chiến công vẻ vang ấy có sự góp sức rất lớn của lực lượng lái xe, nhiệm vụ vận tải hàng hóa.
Ông Phạm Văn Trí, tổ 1, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) tham gia Đoàn 559 nhiệm vụ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn những năm 1966 - 1967. Ông Trí kể, lái xe bộ đội thì chở đủ thứ, khi thì quân trang, thiết bị quân sự, thương binh, khi thì chở các cháu nhỏ K8, K10 từ Nam ra Bắc tập kết.
Cán bộ, chiến sỹ Trường Sơn trò chuyện, ôn lại kỷ niệm trong một dịp gặp mặt.
Tuyến hoạt động đơn vị ông chủ yếu ở Nghệ An vào Quảng Bình, trong đó có Bến Thủy, ngã ba Đồng Lộc, Chuông Bồn… những “trọng điểm” bị địch bắn phá ác liệt. Lái xe chủ yếu đi đêm tránh máy bay địch, đi trên những cung đường đèo núi cao, một bên là vực sâu, nhưng đều không sờn chí. “Có chuyến đi đồng đội bị trúng bom, chúng tôi giúp nhau băng bó vết thương rồi gửi nhà dân, tiếp tục lên đường. Lúc đó, ai cũng quả cảm, quyết tâm một lòng chiến đấu, không lo sợ hy sinh” - ông Trí chia sẻ.
Thương binh hạng 2/4 Đào Dần, tổ dân phố Phố Lăng Quán, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) đầy tự hào về những năm tháng hào hùng. Ông là người tham gia mở, bảo vệ nhiều tuyến đường phía Tây Trường Sơn: mở đường tránh cao điểm dốc con Mèo, đường B45 Thừa Thiên Huế, đường 60 A - B - C từ Lào về Kon Tum, đường 228, bảo vệ đường 8, đường 12. Nơi ấy, ông đã để lại một phần máu thịt của mình. Là người lính công binh thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Trung đội 83 của Đoàn 559, nên ngày ông có nhiệm vụ bảo vệ đường, đêm thức trắng để bảo vệ những đoàn xe và làm hoa tiêu dẫn đường cho các đoàn xe. Trong một đêm tháng 2/1974, hậu tống đoàn xe chở lương thực, vũ khí chuẩn bị cho chiến dịch Xuân Hè năm 1975, xe dẫn đường của ông đã bị trúng mìn, lúc đó trên xe có ông và 2 đồng đội là lái xe, phụ xe. Sức ép của mìn đã lấy đi chân và mắt trái của ông.
Ban liên lạc truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh khen thưởng các hội viên có thành tích tiêu biểu.
“Với tôi, ý nghĩa nhất là những năm đóng góp sức mình cùng đơn vị tham gia mở đường Trường Sơn, ở đó, tôi đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng ở tuổi 22 và cũng ở đó tôi bị mất một phần cơ thể của mình” - ông bùi ngùi.
Trọn nghĩa vẹn tình
Sau những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, trở về đời thường, phẩm chất bộ đội Trường Sơn vẫn luôn tỏa sáng trong mỗi người lính. Họ tiếp tục góp sức mình trong công cuộc xây dựng đất nước, tích cực phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, tham gia công tác xã hội.
Sau khi nghỉ công tác tại UBND tỉnh, về địa phương, CCB Đào Dần tiếp tục công tác ở thôn với nhiều vai trò Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Người cao tuổi, Chi hội trưởng CCB. Hiện ông đang là Bí thư Chi bộ Phố Lăng Quán, thị trấn Yên Sơn. Vẫn đôi chân tập tễnh, 20 năm qua ông cần mẫn dạo bước khắp khu phố tuyên truyền, vận động đảng viên, quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Những lần ông yếu mệt, vợ ông khuyên ông nghỉ ngơi. Nhưng với tâm huyết của một người lính Trường Sơn, ông coi việc của tổ dân phố là trách nhiệm của người lính Cụ Hồ, thêm niềm vui tuổi già. Cái được lớn nhất trên cương vị Bí thư Chi bộ là tạo sự đồng lòng, đoàn kết, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thi đua học và làm theo Bác.
Ngoài công tác xã hội, thương binh Đào Dần, tổ dân phố Phố Lăng Quán, thị trấn Yên Sơn tích cực tăng gia sản xuất,
tăng thu nhập gia đình.
CCB Nguyễn Thanh Hà, thôn 17, xã Trung Môn (Yên Sơn) cũng là lính Đoàn 559. Ông tham gia nhiệm vụ tải gạo trên sông Xê Pôn (Quảng Trị). 8 năm tham gia phục vụ Trường Sơn, ông chuyển ngành công tác tại Sở Giao thông - Vận tải. Nghỉ hưu, nhưng chưa ngơi nghỉ, hiện ông là Trưởng Ban liên lạc Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh của tỉnh.
Ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh hiện có hơn 600 hội viên, sinh hoạt 7/7 huyện, thành phố. Tham gia sinh hoạt Ban Liên lạc, các chiến sỹ Trường Sơn năm xưa không chỉ được giao lưu, chia sẻ mà còn tương trợ lẫn nhau về tình cảm, vật chất. Ban cũng khai thác các nguồn lực xã hội và sự đóng góp của hội viên xây dựng nhà nghĩa tình, thăm hỏi hội viên ốm đau, hoạn nạn, tìm kiếm mộ liệt sỹ… Ngày chúng tôi đến thăm, đúng dịp CCB Nguyễn Thanh Hà chuẩn bị về Hà Nội dự Đại hội Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh nhiệm kỳ III. Mọi kinh phí tham gia công tác Hội đều do ông tự túc. Ông cười vui: “Mình làm để vui, để khỏe và làm vì đồng đội”. Cũng chỉ suy nghĩ giản đơn đó, ông đã có hơn chục năm gắn bó Ban liên lạc, đầu tàu, gương mẫu cùng các thành viên xây dựng Ban hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Bản lĩnh vượt khó, ý chí vươn lên trong cuộc sống, chiến đấu và cống hiến của các cán bộ, chiến sỹ Trường Sơn năm xưa cũng như trong cuộc sống hiện nay đã viết nên bản hùng ca mà các thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi tự hào.
Gửi phản hồi
In bài viết