Giao thông mở hướng
Bác Hồ đã dạy “Giao thông là mạch máu của tổ chức, giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng, giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Khắc ghi lời dạy của Bác, Chiêu Yên dẫu còn nhiều khó khăn nhưng đã huy động sức dân làm mới những con đường để mở hướng cho sự đi lên. Đồng chí Mông Thanh Vấn, Chủ tịch UBND xã Chiêu Yên kể, ngày làm tuyến đường trục chính trên 10 km, người dân trong xã đã hiến hàng chục nghìn mét đất, tháo dỡ tường rào, giải phóng mặt bằng để mở đường. Khi đổ bê tông đường, mọi người lại cùng nhau trông đường, không để cho súc vật chạy qua, bảo đảm mặt đường phẳng đẹp. Từ ngày có đường đẹp, giao thương thuận lợi, quả cam, quả bưởi của đất Chiêu Yên được nhiều người biết đến hơn, giá cả cũng không bị thấp hơn so với vùng khác. Một số hộ có thêm nghề dịch vụ mới từ sự phát triển của tuyến đường.
Sau 3 năm trở lại, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng vì sự thay đổi của vùng đất này. Hai bên đường, nhiều hộ dân xây nhà 2 - 3 tầng, có tường rào bao quanh, nom rất quy củ. Ông Nguyễn Văn Hoàng, thôn Tân Tiến bảo, gia đình xây cất ngôi nhà 2 tầng theo kiến trúc nhà ngang nông thôn vừa đẹp lại vừa rộng rãi, con cháu kéo nhau về thăm ông bà, bố mẹ thoải mái chỗ nghỉ ngơi, tình cảm gia đình thêm đầm ấm. Ông quy hoạch khu bếp ăn, khu vườn có chỗ chăn nuôi cải thiện cuộc sống. Vậy là bước tiến lớn rồi, có nền tảng để con cháu phát triển hơn nữa.
Giao thông thông suốt sẽ mở ra hướng phát triển mới. Vậy nên Chiêu Yên đã dồn sức bê tông hóa đường làng, đường vào khu sản xuất và nội đồng. Cán bộ Địa chính - Xây dựng xã Chiêu Yên Trần Thị Tuyên khẳng định: Từ chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh, xã đã làm được trên 30 km đường bê tông các loại. Riêng từ năm 2021 đến nay xã đã làm được trên 10 km đường thôn, đường nội đồng. Đường mới mở rộng 5 m, trong đó 3,5 m mặt đường trải bê tông.
Một góc khu dân cư thôn Tân Tiến, xã Chiêu Yên.
Hiện xã đang làm nốt gần 4 km đường giao thông nông thôn của năm 2022, đảm bảo “phủ sóng” bê tông đường làng, đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Hiện xã còn tuyến đường ĐH 20 nối với xã Lực Hành dài 6 km chưa được cứng hóa. Nhân dân hai xã Chiêu Yên và Lực Hành đã đề nghị huyện Yên Sơn đầu tư nhiều năm qua nhưng do kinh phí lớn nên hiện mới có chủ trương đầu tư. Người dân mong năm 2023, xã Chiêu Yên về đích nông thôn mới, tuyến đường liên xã này sẽ đầu tư xây dựng.
Tuyến đường dài 375 m vượt đồi cam, đồi bưởi, rừng keo của nhóm hộ gia đình tại thôn Tân Tiến đã chứng minh sức mạnh từ người dân. Ông Nguyễn Minh Hùng, một người dân trong thôn chỉ tay về phía con đường bảo rằng, con đường mới hoàn thành được 20 ngày với sự đóng góp công sức, tiền của của người dân, riêng ông đóng góp trên 100 triệu đồng từ bán cam, bán bưởi dành dụm mấy năm qua mới làm được con đường này đấy. Ông bảo, ở khu này có 4 hộ làm kinh tế vườn rừng nhưng nhà ông nhiều nhất với 20 ha. Trong 20 ha ấy, có 2 ha cam V2, 2 ha cam Vinh và hơn 2 ha bưởi da xanh, còn lại là đất rừng sản xuất. Thất thu như năm 2021 thì khu vườn vẫn cho thu trên 400 triệu đồng.
Ông Hùng chia sẻ, trước chưa có đường, con dốc vào thôn được ông và gia đình đã nhiều lần sửa chữa để có thể thồ cam, bưởi bằng xe máy đi bán. Ngày trời mưa thì đành chịu. Mơ ước có con đường để ô tô tải nhỏ lên tận nơi chở cam đã ấp ủ lâu rồi nhưng chưa đủ điều kiện thực hiện. Đợt này ông có chút tiền dành dụm lại đúng thời điểm tỉnh quan tâm hỗ trợ xi măng để người dân làm đường vào khu sản xuất, ông “cho đi” để ông và bà con được hưởng lợi. Có đường thuận lợi, làm việc gì cũng thuận, ông tin như vậy.
Thay đổi tư duy
Chiêu Yên được mệnh danh là “vùng tam giác vàng” bởi là nơi giáp ranh của ba huyện Yên Sơn - Hàm Yên - Chiêm Hóa. Ngày trước khắp nơi biết đến đất Chiêu Yên là “vựa” mía, đường. “Thời ấy đất này trồng mía, kéo mật, làm đường nổi tiếng ở Tuyên Quang. Đất đồi, đất soi trồng mía cả! Rồi những đồi mía dần được thay thế bằng đồi keo, cây nào cũng mang lại lợi thế cho Chiêu Yên. Giờ không còn những lò nấu đường nữa, nhưng người ta vẫn thấy phảng phất đâu đây trong lòng đất này hương mật mía một thời đã qua” - Ông Nguyễn Văn Tụ, thôn Đồng Dầy chia sẻ.
Dẫn chúng tôi đi thăm các hợp tác xã, chủ trang trại làm kinh tế giỏi, cho thu nhập cao, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Hiến phấn khởi khoe, hiện nay, trên địa bàn xã đã thành lập được 5 hợp tác xã liên kết trồng, kinh doanh trái cây hữu cơ, chăn nuôi trâu, bò, lợn và thủy sản. Ngoài ra, toàn xã đã hình thành 10 trang trại tổng hợp. Với sự năng động, chủ động, người dân đã mở rộng những vườn cây ăn quả mang lại giá trị cao hơn. Toàn xã hiện có trên 400 ha cây ăn quả, 650 con trâu, bò, 80 lồng cá đặc sản. Điều này thể hiện rõ sự thay đổi tư duy trong nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi này.
Mô hình nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng của ông Nguyễn Hồng Hải, thôn Yên Vân, xã Chiêu Yên.
Anh Phạm Đức Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Vân đã tốt nghiệp Cao đẳng Giao thông vận tải cũng từng đi tứ xứ để làm ăn, lăn lộn với nghề 2 năm, trải nghiệm ở nhiều tỉnh nhưng cũng chỉ đủ nuôi... mồm mà thôi. Vậy anh trăn trở lắm. Mỗi lần về thăm gia đình, nhìn đồng đất, trong anh khát khao làm giàu ở chính quê nhà. Anh Mạnh bảo, năm 2012, bắt đầu đầu tư trồng cây ăn quả trên diện tích 2,5 ha gồm 500 cây bưởi, 240 cây cam Vinh và 60 cây nhãn. 5 năm sau, cây bắt đầu cho thu hoạch, từ năm 2019 đến nay, nguồn thu từ vườn cho lãi trung bình từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm.
Anh Mạnh còn đầu tư chăn nuôi bò vỗ béo. 2 năm nay, mỗi năm, bình quân anh xuất bán một lứa, mỗi lứa bán 30 con, thu lãi gần 300 triệu đồng. Anh Mạnh chia sẻ, làm riêng lẻ sẽ không bền và không tạo được đầu ra thuận lợi nên đã vận động các hộ chăn nuôi trâu, bò trong thôn liên kết để thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Vân. Anh đảm nhận vai trò Giám đốc, anh đứng ra giúp các thành viên trong Hợp tác xã làm hồ sơ để vay vốn theo nghị quyết của HĐND tỉnh với số vốn vay 2,4 tỷ đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, Hợp tác xã chăn nuôi bò do anh làm chủ có 9 thành viên duy trì đàn trâu bò gần 100 con.
Nghề nuôi cá lồng đặc sản trên sông cũng mang lại cuộc sống no ấm cho nhiều hộ gia đình. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp thủy sản Thọ Sơn là người đầu tiên đưa giống cá chiên, cá bỗng vào nuôi trên sông Lô ở Chiêu Yên. Với khả năng kết nối, ông Bình đã có được bạn hàng tiêu thụ lâu dài, ngay cả trong dịch bệnh Covid-19, sản phẩm cá đặc sản của ông Bình vẫn được tiêu thụ đều đặn khi đến thời điểm xuất bán. Nhờ mô hình nuôi cá đặc sản, mỗi năm mang lại lợi nhuận hơn 300 triệu đồng cho gia đình ông Bình.
Những chính sách mới đã đi vào cuộc sống làm thay đổi cung cách làm ăn của người nông dân, tạo nên bức tranh quê thật tươi đẹp. Chủ tịch UBND xã Mông Thanh Vấn cho biết, hết năm 2021 thu nhập bình quân của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm; trên 60% hộ dân có mức sống khá trở lên. Cuộc sống của người dân có khấm khá thì xây dựng nông thôn mới sẽ bền vững hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết