Phụ nữ TP Tuyên Quang: Năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế

- Biết nắm bắt tình hình kinh tế tại địa phương, biết tận dụng kinh nghiệm và điều kiện có sẵn của bản thân và cùng với sự hỗ trợ của tổ chức Hội Phụ nữ, phụ nữ thành phố Tuyên Quang đã mạnh dạn, tự tin, không ngừng đổi mới tư duy, cách làm, xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình. Qua đó, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế của thành phố.

Thành phố có 19.768 hội viên phụ nữ, đang tham gia sinh hoạt ở 17 cơ sở Hội. Theo Hội LHPN thành phố, trong nhiệm kỳ qua (2016-2021), phụ nữ thành phố đã xây dựng được 118 mô hình kinh tế, trong đó có 95 mô hình kinh tế do hội viên phụ nữ làm chủ. Các mô hình kinh tế được thực hiện đa dạng như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, trồng rau sạch, kinh doanh dịch vụ, may mặc, tiểu thủ công nghiệp... với mức thu nhập từ 150 triệu đồng trở lên/năm. Mô hình không chỉ tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình mà còn tạo việc làm cho gần 400 lao động trên địa bàn tỉnh.

Chị Trần Thị Phương Thảo, chủ cửa hàng Nội thất Thảo Thành, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hiệp là một trong những phụ nữ năng động tiêu biểu ở lĩnh vực kinh doanh các mặt hàng nội thất văn phòng, trường học, cơ quan của các thương hiệu uy tín của Hội LHPN phường Tân Quang. Chị Thảo đã trải qua quãng thời gian vô cùng khó nhọc, với đủ các ngành nghề. Đến nay, khi đã có một công ty khá lớn nằm trên trục đường Quang Trung, chị vẫn muốn mở rộng thêm các mặt hàng kinh doanh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Chị đã đầu tư thêm các mặt hàng nội thất gia đình như: Giường, tủ, bàn ghế salon, bàn ăn... với đủ các mẫu mã, kích cỡ, với giá cả phù hợp với các khách hàng. Không chỉ mua trực tiếp các sản phẩm bày bán tại cửa hàng mà khách còn có thể đặt hàng theo mẫu trên các quyển Catalogue, sau đó chị Thảo sẽ gửi hàng về tận nhà cho khách. Công ty hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương, với mức lương 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, công ty chị nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước với mức trung bình khoảng trên 400 triệu đồng/năm, thực hiện chế độ bảo hiểm cho 100% lao động.


Chị Nguyễn Thị Mai Liên, hội viên Chi hội Phụ nữ tổ 3, phường Hưng Thành kiểm tra các sản phẩm nhân viên thực hiện.

Cùng với sự năng động, nhạy bén, chủ động trong phát triển kinh tế của chị em, Hội LHPN thành phố đã phát huy vai trò của tổ chức Hội trong việc vận động, hỗ trợ, giúp đỡ chị em sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Hội đã chủ động khai thác nguồn vốn vay ưu đãi, duy trì có hiệu quả 99 tổ Tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, 74 tổ Tiết kiệm và vay vốn Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển; tín chấp hơn 60 tỷ đồng vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, 4,6  tỷ đồng từ vốn Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển giúp hàng trăm lượt hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế.

Các cấp Hội Phụ nữ thành phố đã tuyên truyền, vận động các hội viên và con, em hội viên tham gia các lớp học nghề thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, gắn dạy nghề với xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của từng chị em và nhu cầu của thị trường; phối hợp tư vấn nghề cho 573 lao động nữ, giới thiệu, tạo việc làm cho 1.350 lao động nữ sau học nghề; phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố, cán bộ khuyến nông tổ chức 15 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng nấm cho chị em; cử cán bộ, hội viên tham gia các lớp tập huấn về ý tưởng kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, cách sử dụng và quản lý nguồn vốn cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Đồng thời, triển khai sâu rộng phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” với nhiều mô hình phát triển kinh tế có thu nhập cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động; tổ chức cho chị em đi tham quan các mô hình kinh tế giỏi để trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau...

Là một cán bộ hợp đồng của Hạt Quản lý Giao thông Yên Sơn đã hơn chục năm nay nhưng chị Nguyễn Thị Mai Liên, hội viên Chi hội Phụ nữ tổ 3, phường Hưng Thành không hài lòng mức thu nhập hiện tại. Chị bỏ ra cả chục triệu đồng tiết kiệm được, tranh thủ thời gian rảnh rỗi sau giờ hành chính để đi học nghề may. Sau đó, chị mở xưởng, nhận may gia công quần áo tại nhà và đứng lên quản lý. Chị trực tiếp thiết kế các mẫu quần áo đồng phục của trẻ em, quần áo mặc nhà, áo dài...; tự tay cắt mẫu theo từng kích thước. Rồi thuê nhân công và giao việc để họ may sản phẩm. Chị Liên chia sẻ, năm 2019, chị được Hội LHPN phường Hưng Thành tín chấp cho vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua thêm máy may.

Cùng với đó, chị không ngừng nắm bắt các mẫu mã mới được thị trường yêu thích để thiết kế nên hàng bán rất chạy. Không chỉ nhận đơn hàng sỉ, chị còn nhận cả các đơn bán lẻ nên người lao động ở xưởng không bao giờ hết việc. Các đơn hàng được thực hiện đều đã được đặt từ trước, do vậy đầu ra rất ổn định. Thị trường chủ yếu chị đang phục vụ là các cửa hàng quần áo và một số trường học tại tỉnh và thành phố Hà Nội. Trung bình mỗi tháng, xưởng may của chị sản xuất được từ 1.200-1.500 sản phẩm/tháng. Doanh thu của xưởng đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Hiện xưởng may chị đang tạo việc làm cho 10 chị em ở địa phương, trong đó có 5 chị em đang làm việc trực tiếp tại xưởng, với mức lương 6-9 triệu đồng/người/tháng.

Có thể khẳng định, bên cạnh sự nỗ lực, năng động, nhạy bén của mỗi chị em thì vai trò tổ chức Hội Phụ nữ các cấp của thành phố trong việc đồng hành, hỗ trợ chị em phát triển kinh tế là vô cùng quan trọng. Nhờ đó, trong 5 năm qua, mỗi chị em của thành phố đã không ngừng vượt khó vươn lên, phát huy đức tính cần cù, sáng tạo, ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm trong kinh doanh dịch vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi vật nuôi, cây trồng có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất; đầu tư phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ... Những đóng góp của các chị em trong phát triển kinh tế đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của toàn thành phố đạt 12,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 80,5 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố từ 2,63% năm 2015 xuống còn 0,66% năm 2020.

Bài, ảnh: Thu Hương

Tin cùng chuyên mục