Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên ở các huyện. Từ năm 2014 đến nay, các trung tâm triển khai việc đào tạo hệ học nghề kết hợp học văn hóa.
Theo ông Trần Văn Bút, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương, hiện Trung tâm có 350 học sinh theo học hệ trung cấp nghề kết hợp học văn hóa nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí học tập. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức được 31 buổi tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh khối lớp 9. Dự kiến trong năm 2021, trung tâm tuyển sinh 150 học viên tốt nghiệp THCS theo học 6 ngành: Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Cơ điện tử, Kỹ thuật máy lạnh, Điều hòa không khí, May công nghiệp và thời trang. Với tỷ lệ học viên sau khi hoàn thành chương trình học có việc làm đạt 98%, đây là lựa chọn tốt cho nhiều em học sinh muốn được đào tạo bài bản để sớm tham gia thị trường lao động.
Học sinh theo học Trung cấp Công nghệ ô tô tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ
Tuyên Quang sau khi tốt nghiệp THCS.
Hiện trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang có 13 ngành tuyển sinh dành cho các em tốt nghiệp THCS trong đó có một số ngành thu hút đông học sinh đăng ký như Công nghệ ô tô, Kế toán doanh nghiệp, Chăn nuôi thú y, Kinh doanh thương mại và dịch vụ… Trong đợt 1 tuyển sinh vừa qua, nhà trường đã tiếp nhận trên 200 hồ sơ của học sinh hoàn thành bậc THCS. Theo ông Lộc Văn Quang, Phó Hiệu trưởng nhà trường, đây là hướng đi được nhiều em học sinh và phụ huynh quan tâm lựa chọn bởi thời gian học tập được rút ngắn. Việc học song song giữa văn hóa và học nghề giúp các em có thể nhận bằng tốt nghiệp trung cấp nghề và bằng tốt nghiệp THPT sau 3 năm. Để đáp ứng tốt việc dạy và học, nhà trường cũng không ngừng cải tiến, đổi mới, tăng cường bổ sung cơ sở vật chất hiện đại phục vụ nhu cầu thực hành, nghiên cứu của học sinh. Việc duy trì cầu nối liên kết giữa trường học và doanh nghiệp cũng được đảm bảo thường xuyên, qua đó giúp làm tốt công tác giải quyết việc làm, đảm bảo đầu ra cho các em sau khi tốt nghiệp.
Em Thào Thị Danh, dân tộc Mông tại thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) vừa học xong lớp 9, đã nộp hồ sơ đăng ký theo học ngành Chăn nuôi thú y, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang. Em nghĩ đây là con đường phù hợp với năng lực của bản thân để có một công việc tốt với thu nhập ổn định trong tương lai. Quá trình tìm hiểu em cũng được biết khi theo học nghề em sẽ được hưởng nhiều chế độ ưu đãi như miễn giảm 100% học phí, hưởng chính sách nội trú, chính sách học bổng…
Đào tạo nghề hệ 9+ không chỉ là giải pháp hiệu quả nhằm phân luồng học sinh sau THCS mà còn cho thấy tầm quan trọng và lợi ích của học nghề đối với sự phát triển của xã hội. Qua đó nhằm giải quyết tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, mở ra cơ hội việc làm cho nhiều người trẻ hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết