Thực hiện Quyết định số 294/QĐ-UBND ngày 5-9-2017 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, là địa phương khởi động chương trình từ tháng 10-2018, những ngày đầu, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) gặp nhiều khó khăn trong triển khai chương trình.
Chị Đặng Thị Sáu, thôn Đá Ngựa (Thượng Ấm) sử dựng nước sạch vệ sinh.
Anh Triệu Công Đoàn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã chia sẻ, do triển khai vào cuối năm, đúng dịp nhân dân tập trung vào thu hoạch cây mùa nên việc tổ chức họp dân rất khó khăn, thành phần dự họp đa số không phải chủ hộ. Tuy nhiên khi triển khai, chỉ sau 2 tháng, ý thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường được nâng lên rõ rệt, thể hiện tỉ lệ các công trình hợp vệ sinh của xã tháng 10/2018 là 47,2% đến 31-12-2018 đạt 58,6 % trên tổng số 2.296 hộ tham gia chương trình.
Chị Đặng Thị Sáu, thôn Đá Ngựa cho biết, ngày trước gia đình chị sử dụng nước sinh hoạt đều không qua bể chứa, đa số không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Là thôn Trung tâm của xã, ngay khi chương trình được triển khai, chị đã tiên phong làm nhà vệ sinh, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh có chỗ rửa tay xà phòng. Sau hơn 5 năm thực hiện nếp sống ăn ở vệ sinh, sức khỏe của mọi người trong gia đình được bảo đảm, ít mắc các bệnh về đường tiêu hóa hơn.
Theo kết quả khảo sát, đến tháng 12 năm 2018, sau 2 tháng triển khai chương trình, xã Phúc Ứng đã có 70% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh thì đến tháng 12-2020 tỷ lệ này đã nâng lên 100% tại 21 thôn trong xã; trên 2.000 hộ dân có bể nước sạch, chỗ rửa tay xà phòng, đạt tỷ lệ trên 95%. Khi dự án được triển khai, qua các buổi tập huấn, tuyên truyền, vận động, người dân đã nhận thức được lợi ích thiết thực khi có nhà tiêu hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe bản thân và cộng đồng. Ngoài ra, các hộ dân còn được hỗ trợ về kỹ thuật, đảm bảo công trình khi hoàn thành đạt yêu cầu.
Chương trình vệ sinh môi trường của xã Phúc Ứng được triển khai hiệu quả ngay cả trong các trường học.
Anh Nguyễn Văn Long, Trưởng thôn Vĩnh Phúc chia sẻ, thôn có 85 hộ dân, với trên 364 nhân khẩu, sau khi triển khai chương trình, người dân lúc đầu cũng phân vân nhưng được tuyên truyền nên đến hết năm 2020, thôn đạt tỷ lệ 100% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh và bể chứa nước sạch. Người dân không quá trông chờ vào mức hỗ trợ xây mới nhà tiêu 3 triệu đồng/hộ nghèo và đều tự bỏ tiền để tham gia chương trình.
Ông Hà Văn Đảo - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ứng cho biết, được sự hỗ trợ tích cực của Chi cục Thủy lợi, Trung tâm KSBT tỉnh nên việc tuyên truyền, vận động người dân tiếp cận kiến thức về sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh có nhiều thuận lợi. Cũng nhờ dự án mà tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới của xã đã đạt theo yêu cầu đề ra.
Từ thực tế ở Phúc Ứng cho thấy, dự án đã phát huy tốt hiệu quả, nhất là công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tính riêng công tác tuyên truyền trên loa truyền thanh đã tiếp cận được hơn 8.000 lượt nghe; người dân còn được tiếp cận những kiến thức về sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước, thu gom rác thải gia đình và vệ sinh công cộng. Điều này chính là động lực để xã thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, đầu tư xây dựng công trình chỉ là bước đầu, để bảo vệ, giữ gìn được công trình phục vụ đời sống của nhân dân thì cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, nhà trường và mọi người dân. Đặc biệt trong công tác tuyên truyền, vận động xây dựng, bảo vệ và nâng cấp sửa chữa công trình, nhằm đảm bảo công trình hoạt động bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết