Diện mạo mới
Xuống các thôn ở xã Hùng Đức mới cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt của bộ mặt nông thôn. Không chỉ có đường bê tông, cầu qua suối, nhà văn hóa khang trang mà nhà cửa của người dân đã được xây dựng khang trang, bề thế.
Khánh Hùng là một trong những thôn huy động hiệu quả nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới. Thôn có nhà văn hóa khang trang, đường bê tông, bề thế nhất xã. Với 101 hộ là người Ninh Bình lên xây dựng quê hương mới ở Khánh Hùng, 60 năm qua, người dân đã đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Theo đó, người dân đã đóng góp trên 5 tỷ đồng làm 2,5 km đường bê tông, nhà văn hóa thôn, kênh mương nội đồng.
Nhà văn hóa thôn Xuân Mai, xã Hùng Đức vừa đầu tư xây dựng năm 2023.
Dẫn chúng tôi “mục sở thị” tuyến đường làm theo Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh vừa hoàn thiện, ông Lê Mạnh Hùng, Bí thư Chi bộ Khánh Hùng khoe, năm 2023 thôn làm thêm được gần 1.000 m đường bê tông nông thôn nên giờ đường thôn đã khép kín bê tông. Vui hơn là cuối năm 2022, tuyến đường từ xã Tứ Quận (Yên Sơn) đến trung tâm xã Hùng Đức chạy qua thôn rộng 7 m, mặt đường bê tông 5 m hoàn thiện đã thay đổi toàn diện bộ mặt của thôn.
Người dân thôn Khánh Hùng còn năng động trong phát triển kinh tế, thôn có nhiều nhà xây to, đẹp nhất xã Hùng Đức. Ông Lê Mạnh Hùng bảo, thôn không có nhà tạm, chỉ còn 7 hộ nghèo là người già cô đơn, người tàn tật. Thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, cao nhất xã.
Người dân thôn Văn Nham phấn khởi khi cây cầu bắc qua suối vừa hoàn thành, tạo điều kiện người dân đi lại, đặc biệt trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 sắp tới. Bà Lý Thị Rạc phấn khởi, 64 năm sống ở đây là bấy nhiêu năm lội suối, giờ có cầu lớn để đi thật sự tốt. Rồi bà chỉ vào cầu bảo, “một đầu cầu và đường dẫn là nằm trên 200 m2 ruộng của gia đình trồng lúa 40 năm qua. Khi Nhà nước xây cầu cho người dân, gia đình đã hiến đất để cầu được thi công đúng tiến độ”.
Đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển, những năm qua xã Hùng Đức đã tập trung nhiều nguồn lực thực hiện các hạng mục. Từ năm 2011 đến nay đã đầu tư xây dựng nhiều hạng mục hạ tầng nông thôn quan trọng như làm 60,46 km đường giao thông (gồm đường trục xã: 23,23 km; trục thôn: 24,8 km; ngõ xóm: 7,19 km, nội đồng: 5,24 km); xây dựng mới 20 nhà văn hóa thôn, xóa 34 nhà tạm, dột nát cho 34 hộ nghèo trong xã. Tuy còn nhiều khó khăn phía trước, song với quyết tâm về đích đúng thời hạn, cán bộ và Nhân dân xã Hùng Đức đã, đang dồn sức để hoàn thiện các tiêu chí để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân bằng việc đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt như xây dựng thêm 9,19 km đường giao thông (5,13 km đường trục xã, 1,92 km đường thôn, 1,3 km đường ngõ xóm, 0,84 km đường nội đồng); xây dựng 1 nhà văn hóa xã; 3 trường học; 1 nghĩa trang xã theo quy hoạch, đặc biệt xóa nốt 8 nhà tạm, dột nát...
Nâng cao thu nhập
Cùng với đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, Hùng Đức cũng xác định phát triển sản xuất là yếu tố quan trọng để nâng cao thu nhập cho người dân. Với thế mạnh về nông lâm nghiệp, thời gian qua địa phương đã quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo hướng tập trung, kinh tế tập thể, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả và khuyến khích lao động nhàn rỗi tìm việc làm, hỗ trợ vốn vay thông qua liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội… Đến hết năm 2023 thu nhập của người dân đạt trên 42,57 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn 12,99%.
Người dân thôn Văn Nham, xã Hùng Đức trồng ngô vụ đông.
Phát triển rừng FSC được xã lựa chọn là thế mạnh để phát triển kinh tế. Ngay đợt đầu tiên vận động, tuyên truyền có 2.288 ha được người dân địa phương đăng ký thực hiện. Ông Bàn Văn Dưỡng, Trưởng thôn Cây Thông cho biết, thôn có 70 ha rừng sản xuất, trong đó có hơn 20 ha rừng đã được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn FSC. Nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế từ rừng kết hợp với chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần thoát nghèo bền vững. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm đến 63% thì nay giảm còn 22%. Điển hình như gia đình ông Triệu Văn Phúc ngoài việc trồng 3 ha rừng sản xuất, ông nhận trồng rừng giao khoán hơn 1 ha của Công ty Lâm nghiệp Tân Phong và phát triển chăn nuôi thêm ngan, gà để tăng thu nhập. Nguồn thu từ trồng rừng, chăn nuôi và phát triển nông nghiệp giúp gia đình ông đạt 70 - 80 triệu đồng/năm, gia đình ông đã thoát nghèo từ năm 2017.
Thu nhập từ rừng đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã thoát nghèo bền vững và đang hướng đến làm giàu. Gia đình ông Trần Ngọc Đăng, thôn Đèo Tế trước đây là hộ nghèo. Từ năm 2009, gia đình ông quyết định chuyển diện tích đất rừng sản xuất của gia đình sang trồng keo, mỗi năm trồng một phần diện tích, lấy ngắn nuôi dài, đến nay, gia đình ông đã trồng được 6 ha rừng. Ngoài ra, ông còn trồng rừng giao khoán để tăng thêm thu nhập. Từ rừng và phát triển chăn nuôi lợn, cá, mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm, gia đình ông đã dựng được nhà, mua sắm đầy đủ các thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình.
Cùng với đó xã tập trung chỉ đạo Nhân dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung vào một số sản phẩm nông nghiệp như: Cây chè, cây mía, phát triển đàn gia súc, gia cầm, ngoài ra còn vận động Nhân dân tăng hệ số sử dụng đất để phát triển diện tích rau quả như cây ớt 1,5 ha; dưa leo 5 ha, trồng ngô sinh khối 80 ha.
Đồng chí Hà Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Hùng Đức chia sẻ, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Hùng Đức đã nỗ lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2023. Mục tiêu nông thôn mới không có điểm dừng, xã sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là tiêu chí thu nhập và cơ sở hạ tầng để cuộc sống thực sự đổi mới.
Với sự đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của Nhân dân, Hùng Đức đang “thay da đổi thịt” từng ngày, đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài.
Gửi phản hồi
In bài viết