Phương pháp học là yếu tố quyết định

- Đối với học sinh lớp 12, thời điểm này rất quan trọng khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT năm 2021 (từ ngày 6 đến 9/7/2021). Làm sao để chinh phục câu hỏi vận dụng cao, làm đề như thế nào để hiệu quả?...Những băn khoăn này sẽ được giải quyết nếu có phương pháp học tập khoa học với từng môn học, tổ hợp thi lựa chọn.

Lượng thí sinh đăng ký tổ hợp KHXH cao

Trường THPT Chuyên Tuyên Quang hiện có 325 học sinh lớp 12, trong đó có 171 học sinh đăng ký tổ hợp KHXH, số còn lại đăng ký tổ hợp KHTN. Thầy Vũ Đình Thuận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ đầu năm học đến nay, trường đã tổ chức nhiều kỳ thi thử dưới hình thức trực tiếp và online đối với khối 12. Kể từ thời điểm nước rút này, trung bình tuần nào khối 12 cũng sẽ tiến hành làm bài thi thử để đánh giá năng lực và từ đó điều chỉnh phương pháp dạy và học. 

Trong tổng số 186 học sinh lớp 12 của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh có 68 em đăng ký thi tổ hợp KHTN, 118 em đăng ký thi tổ hợp KHXH, hồ sơ dự thi đã được trường hoàn thiện gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo.

Hầu hết các trường THPT chỉ còn học sinh lớp 12 đến trường.

“Không thức khuya và đi ngủ trước 12 giờ” 

Bảo Ngọc, học sinh lớp 12 chuyên Sinh cho biết đã chọn tổ hợp KHTN cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, em ôn khá chắc Sinh và Hóa, còn Vật Lý chỉ tính đủ trên điểm liệt. Với ba môn Toán, Văn, Anh, Ngọc tự tin có thể đạt được mức điểm từ 8 trở lên sau khi làm thử đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đề thi thử tại trường.

Với nguyện vọng được trở thành sinh viên Đại học Y Hà Nội, Ngọc tập trung chủ yếu vào hai môn có sự phân hóa điểm lớn nhất là Hóa, Sinh. “Em tập trung tiếp thu kiến thức trên lớp và luyện đề khi về nhà, thời điểm thi càng đến gần thì càng hồi hộp và cũng khá lo lắng vì mục tiêu mà em theo đuổi cũng là mục tiêu của rất nhiều bạn cùng khối thi”, Ngọc nói.

Đây là tâm lý chung của rất nhiều học sinh lớp 12 trong trường, thấp thỏm, lo âu. Đa phần đều sợ đề năm nay khó hơn, lứa “dê vàng” tỉ lệ cạnh tranh cao, nhất là những xuất vào trường top, chuyên ngành hot.

Cùng chung tâm trạng lo lắng nhưng Hoàng Anh Đức học sinh lớp 12 chuyên Toán lại có chiến thuật học rất logic. “Em luôn dành thời gian ngủ nghỉ đầy đủ, đặc biệt là không thức khuya và đi ngủ trước 12 giờ, những thứ học trên lớp về chúng ta có thể xem lại và học kĩ hơn, nâng cao hơn để tối ưu kiến thức. Ở trường các thầy cô phân bố thời gian học khá hợp lý, học sinh được luyện các đề bám sát cấu trúc đề minh họa nhưng vẫn rất đa dạng và kiến thức được thầy cô tổng hợp, truyền tải đầy đủ”, Đức chia sẻ.

 Học sinh lớp chuyên Sinh tranh thủ giờ ra chơi chữa đề và ôn tập bài.

Lên kế hoạch cho từng môn học

Tại Hàm Yên, không khí chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng đang rất khẩn trương. Với những em chọn tổ hợp KHXH, vốn được biết đến là dân “mọt sách” nên việc lựa chọn phương pháp giúp học thuộc, nhớ lâu, hiểu sâu cũng rất quan trọng. 

Phạm Kim Ánh, lớp 12C2 dự định đăng ký vào ngành Sư phạm Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Theo Ánh, với những môn tổ hợp KHXH cần học thuộc và nhớ lâu nhớ chi tiết thì em thường học vào sáng sớm trước khi đi học. Chia ra từng ngày hay tuần để học vào mỗi môn. Với những ngày học trên lớp thì tối đến em sẽ làm đề hay bài tập của kiến thức buổi sáng trên lớp. 

Cũng lựa chọn tổ hợp KHXH để tham gia kỳ thi THPT 2021 với nguyện vọng trở thành sinh viên Đại học Luật Hà Nội, Nguyễn Phương Uyên lớp 12C1, Trường THPT Tân Trào gấp rút ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi trọng đại. Uyên phân chia thời gian học theo từng môn từng buổi, ví dụ như một ngày dành ra một tiếng học Văn, một tiếng học Sử và một tiếng học Địa. Nếu như môn nào em cảm thấy kiến thức chưa được chắc bằng mấy môn khác thì em dành ra khoảng thời gian cho môn học đó nhiều hơn. Để cân bằng thời gian học tập trên lớp mà vẫn có thể tự học có hiệu quả thì em đã lên một thời gian biểu cụ thể cho kế hoạch học tập của mình.

Cựu học sinh chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Tuyên Quang cao Thùy Hương là thí sinh có điểm thi khá cao (9,1 điểm tổ hợp KHXH trong kỳ thi THPT năm 2020), từng đạt giải Nhì môn Địa lý kỳ thi chọn học sịn giỏi quốc gia chia sẻ: Việc học kĩ kiến thức thức trên lớp để hiểu sâu vấn đề rất quan trọng. Về nhà chủ yếu sẽ học từ khóa và luyện đề nhiều, nhất là các câu hỏi dễ gây nhầm lẫn và câu hỏi khó. Chìa khóa để đạt điểm cao không phức tạp, quan trọng nhất là học tập trung, trọng tâm, học đến đâu hiểu và nhớ đến đấy để không mất quá nhiều thời gian vào một vấn đề.

Trần Ngọc Yến đang luyện đề phần nghị luận văn học. 

Chuẩn bị tâm lý thoải mái, tự tin

Nhìn chung, bước vào thời điểm này, hầu hết học sinh đều đã chủ động nắm chắc kiến thức, phần lớn thời gian là luyện đề, chữa đề để rèn luyện phản xạ tư duy, tránh đặt nặng tâm lý thi cử. Lê Thị Ánh Tuyết dự định thi vào ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội thấy rất lo lắng, tuy nhiên em vẫn luôn cố gắng rèn luyện đầu tiên cho bản thân là sự vững vàng về tâm lý. Vì đây là một yếu tố vô cùng quan trong song song với việc học tập kiến thức.

Đứng trước giai đoạn quan trọng, Trần Ngọc Yến học sinh lớp 12C6, Trường THPT Ỷ La chia sẻ “Em khá lo lắng nhưng vẫn đủ sự tự tin vào những kiến thức cơ bản mà bản thân em trau dồi trong suốt 3 năm vừa qua”.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng được những kịch bản một cách chủ động để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh của dịch covid-19 theo nguyên tắc cứ địa phương nào an toàn, không bị giãn cách xã hội và thí sinh nào an toàn sẽ tham gia kì thi này.

Đây là thời điểm nước rút, để các em học sinh “tăng tốc” về đích. Việc phân bổ thời gian học tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe và tâm lý tốt trước mùa thi là yếu tố quan trọng giúp các em có tâm thế vững vàng, đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi trọng quan trọng sắp tới.

Bài, ảnh: Hoàng Lâm

Tin cùng chuyên mục