Quan tâm bố trí nguồn lực để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác

- Chiều 15-2, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2022 - 2023, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương chủ trì tại điểm cầu Tuyên Quang.

Dự tại điểm cầu Tuyên Quang có đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Tuyên Quang, tổng dư nợ các chương trình tín dụng cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đến ngày 13-2 đạt trên 202 tỷ đồng với 3.807 lượt khách hàng được vay vốn. Trong đó: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 140 tỷ đồng, với 2.519 lượt lao động được vay vốn; cho vay nhà ở xã hội đạt 17,2 tỷ đồng với 42 lượt khách hàng được vay vốn; cho vay học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến 4,5 tỷ đồng, với 451 lượt học sinh, sinh viên được các hộ gia đình đúng đối tượng vay vốn để mua thiết bị học tập trực tuyến; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid - 19 của 9 lượt khách hàng với số tiền 764 triệu đồng…

Phát biểu kết luận hội nghị, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Trong xây dựng chương trình, dự án của địa phương, cần lồng ghép, gắn kết có hiệu quả công tác dạy nghề, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ kỹ năng sản xuất kinh doanh, khuyến khích hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia sâu vào liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, dược liệu quý, vào chương trình mỗi xã 1 sản phẩm nhằm phát huy lợi thế đặc sản vùng miền, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn…

Tin, ảnh: Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục