Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Hội An (Quảng Nam), điểm du lịch biển hấp dẫn ở miền trung.
Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục, thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu gìn giữ, lan tỏa giá trị, bản sắc văn hóa Quảng Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng Quảng Nam phát triển toàn diện, bền vững.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa
Xứ Quảng có truyền thống văn hóa lâu đời, được giao thoa, đan xen, kế thừa và hội tụ các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt trong tiến trình lịch sử khai phá đất phương nam.
Nói đến văn hóa Quảng Nam là nói đến những di sản văn hóa vật thể tiêu biểu, độc đáo. Quảng Nam có 458 di tích được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt (Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn vừa là di tích quốc gia đặc biệt, vừa là Di sản văn hóa thế giới), 67 di tích cấp quốc gia, 387 di tích cấp tỉnh cùng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An.
Ngoài hệ thống di sản vật thể, tỉnh Quảng Nam còn có sự phong phú, đa dạng của các loại hình văn hóa phi vật thể; trong đó nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO vinh danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thời gian qua, Quảng Nam luôn quan tâm đến văn hóa, phát triển văn hóa, xây dựng con người. Tỉnh đã ban hành nhiều đề án, nghị quyết, chương trình, kế hoạch về đầu tư xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; dành nguồn lực cho xây dựng văn hóa, con người.
Trong giai đoạn từ 2012-2023, tổng nguồn ngân sách bố trí cho sự nghiệp phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh khoảng 1.992 tỷ đồng. Trong lĩnh vực đầu tư công, giai đoạn 2016-2025, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh đã bố trí cho lĩnh vực văn hóa là hơn 316.065 tỷ đồng, chưa kể nguồn đầu tư từ xã hội hóa.
Hiện nay, nguồn lực văn hóa đang được nhận diện với các ngành công nghiệp văn hóa. Trong số 13 ngành công nghiệp văn hóa, tiềm năng, lợi thế của Quảng Nam nổi bật ở ngành du lịch văn hóa. Đây được xác định là nguồn lực quan trọng và cũng là “con đường” ngắn nhất để quảng bá hình ảnh Quảng Nam với nhân dân cả nước và hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Trong đó, Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được xem là tài sản quốc gia, là một trong những đặc trưng nhận diện của du lịch Việt Nam. Nhờ phát huy các tiềm năng, thế mạnh về di sản, du lịch Quảng Nam có bước phát triển mạnh mẽ. Riêng 10 tháng năm 2024, tỉnh đã đón hơn 6,942 triệu lượt khách (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023), doanh thu từ tham quan, lưu trú ước đạt 6,85 nghìn tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ năm trước) và thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng.
Qua hơn 27 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh thuần nông nằm trong nhóm các tỉnh nghèo nhất nước, từ năm 2017 đến nay, Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao trong nhiều năm liên tục. Nhiều dự án lớn về công nghiệp ô-tô, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đi vào hoạt động tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế. Khu kinh tế mở Chu Lai tiếp tục là điểm sáng, duy trì vai trò đầu tàu trong tăng trưởng. Công nghiệp văn hóa đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Ngân sách đầu tư cho lĩnh vực văn hóa từng bước được nâng lên.
Các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, đối ngoại diễn ra sôi nổi, đạt nhiều kết quả, góp phần quảng bá văn hóa Quảng Nam ra khu vực và thế giới; đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới làm phong phú nền văn hóa Quảng Nam; tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để tỉnh Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Biến văn hóa thành nguồn lực phát triển
Tại hội thảo khoa học “Nhận diện và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong giai đoạn mới”, vừa qua, nhiều câu hỏi đặt ra: Phải làm gì để các giá trị văn hóa, con người Quảng Nam thật sự là sức mạnh nội sinh của địa phương, là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tạo dựng vị thế, hình ảnh và thương hiệu văn hóa của tỉnh trong bối cảnh mới?; Quảng Nam phải làm gì để thực hiện “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”... Để tìm ra những giải pháp hiệu quả, tiếp tục phát huy giá trị văn hóa, con người
Quảng Nam trong giai đoạn mới, nhất là nhằm hiện thực hóa các chủ trương, giải pháp đòi hỏi phải có nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân địa phương.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, nhìn nhận, giá trị văn hóa, con người Quảng Nam được hình thành trong điều kiện tự nhiên, địa lý, lịch sử đặc thù, và cũng là yếu tố nền tảng cơ bản quyết định sự thành công trong các giai đoạn phát triển của Quảng Nam.
Giá trị văn hóa, con người Quảng Nam là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương thời gian qua. Tuy nhiên, việc khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của tỉnh đang đứng trước thách thức lớn; kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, xây dựng con người; giá trị văn hóa, con người Quảng Nam chưa được phát huy đúng mức.
Các chuyên gia, nhà khoa học khuyến cáo để giá trị văn hóa, con người Quảng Nam thật sự trở thành nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững, Quảng Nam cần ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm và thu hút nguồn lực, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Nam.
Phát huy vai trò khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; ưu tiên đầu tư xây dựng con người Quảng Nam phát triển toàn diện gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh. Chú trọng hơn nữa việc tuyên truyền các điển hình tiên tiến trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Tỉnh cần có các giải pháp phù hợp để phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong giáo dục; tập trung xây dựng văn hóa học đường và thực hiện tốt chương trình giáo dục địa phương trong trường phổ thông.
Cùng với đó, Quảng Nam cần nhận diện, xây dựng và phát huy văn hóa chính trị, đạo đức công vụ trong cán bộ, đảng viên; tập trung xây dựng văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; khơi dậy khát vọng phát triển trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh; tiếp tục vận động, giáo dục, phát huy các ưu điểm về tính cách con người Quảng Nam trong phản biện khoa học; đồng thời quan tâm đến giải pháp khắc phục hạn chế trong phát ngôn, giao tiếp, khắc phục hiệu quả một số tập quán cũ lạc hậu còn rơi rớt trong bộ phận nhân dân.
Ngành văn hóa tiếp tục phối hợp với các địa phương bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, các giá trị văn hóa tích cực trong tín ngưỡng dân gian. Quảng Nam cần tập trung nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa trọng tâm, thiết yếu; tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân là chủ thể sáng tạo, gìn giữ, trao truyền và phát huy nền văn hóa, đồng thời là chủ thể hưởng thụ văn hóa.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, trong chiến lược phát triển, Quảng Nam luôn giữ gìn, bảo tồn tài nguyên văn hóa bản địa song song với xây dựng, phát triển các sản phẩm văn hóa-du lịch đa dạng, độc đáo, mang đậm bản chất văn hóa đặc trưng con người xứ Quảng. Đó là nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa nhằm góp phần xây dựng tỉnh Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại, bền vững.
Việc xây dựng và thực thi các chính sách văn hóa cần cụ thể; bảo đảm các nguyên tắc chung trong quản lý, bảo vệ và phát huy di sản. Cần lồng ghép chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các kế hoạch phát triển tổng thể của địa phương nhằm sử dụng một cách hiệu quả nguồn lực.
Gửi phản hồi
In bài viết