Hạ gục “pháo đài bay” B-52

Khi điều khiển “pháo đài bay” B-52 vào ném bom với ý định “biến Hà Nội trở về thời đồ đá”, các phi công Mỹ được khích lệ: “Bay vào Hà Nội chỉ như cuộc dạo chơi trong đêm phương Đông, ở độ cao 10km, đối phương không thể với tới, các bạn chỉ cần ấn nút rồi trở về căn cứ an toàn, sạch sẽ”. Nhưng chúng không thể ngờ rằng, 12 đêm trên bầu trời Thủ đô cuối tháng 12/1972 thật sự là những đêm kinh hoàng.

Xác máy bay B-52 bị bắn rơi ngày 27/12/1972 trên phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. (Ảnh TTXVN)

Đã gần 90 tuổi, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Đinh Thế Văn (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn Tên lửa 257, Sư đoàn Phòng không 361) vẫn sang sảng kể lại: Trong chiến dịch bảo vệ Thủ đô tháng 12/1972, trận địa của Tiểu đoàn 77 được bố trí ở Chèm (huyện Từ Liêm trước đây). Tiểu đoàn 77 đã nhiều lần tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm và học tập, nghiên cứu về máy bay B-52, các tính năng, kỹ thuật, chiến thuật các loại vũ khí của địch; được nghe phổ biến kinh nghiệm, bài học cách đánh B-52 ở Quân khu 4 và thực tiễn chiến đấu của bộ đội tên lửa ở Hải Phòng.

Quá trình tổ chức học tập, huấn luyện thông qua tài liệu “sách đỏ” - Cách đánh B-52 của Bộ đội Tên lửa. Các vấn đề đưa ra nghiên cứu huấn luyện gần như khẳng định, nếu đế quốc Mỹ cho B-52 vào đánh phá Hà Nội, thì tên lửa của chúng ta không thể bắt được mục tiêu, mà cũng không thể đánh bằng phương pháp “Vượt nửa góc” (phương pháp chính của bộ khí tài SAM-2), cho nên đơn vị đã tập trung vào huấn luyện cho các kíp chiến đấu chủ yếu đánh bằng phương pháp ba điểm, nhất là đi sâu vào cách phân biệt giải nhiễu để trắc thủ bám sát đúng giải nhiễu trong tốp và đúng từng chiếc B-52 trong đội hình.

Sau cuối các buổi huấn luyện, đơn vị tổ chức hội thảo và đối chiếu với các nội dung huấn luyện của “sách đỏ”. Đồng thời, trao đổi trực tiếp với các tiểu đoàn đã trải qua thực tiễn đánh B-52 bằng phương pháp ba điểm, đánh trong trường hợp không phát sóng để chống tên lửa Sơ-rai của địch, xác suất chiến đấu không cao. Qua nhiều lần hội thảo và học tài liệu về tính năng chiến đấu, kỹ thuật của các loại vũ khí của địch, ta đã nhận thức rõ: Không có loại vũ khí nào ưu việt tuyệt đối cả, quan trọng là phải biết nó mạnh ở chỗ nào, yếu ở chỗ nào để mình hạn chế cái mạnh của nó; “khoét sâu” được điểm yếu của nó.

Điểm mạnh của B-52 là gây nhiễu, vì mỗi B-52 nó có 17 máy gây nhiễu. Mỗi tốp B-52 có ít nhất là ba chiếc trong đội hình, tổng cộng là 51 máy gây nhiễu, lại bay ở độ cao 10km cho nên giải nhiễu B-52 là rất nặng và rộng. Vì vậy, địch đã khẳng định rằng sẽ khó có loại ra-đa hay vũ khí nào có thể bắt và đánh được B-52 là đúng và có cơ sở, chưa tính đến nhiễu của các máy bay chiến thuật bay hộ tống tốp B-52.

“Có người hỏi chúng tôi có bị bất ngờ khi B-52 đánh vào Hà Nội không? Câu trả lời là không! Chúng tôi bình tĩnh chờ chúng đến, tất cả đã sẵn sàng”, Đại tá Đinh Thế Văn nhớ lại, 23 giờ ngày 18/12/1972, một tốp B-52 hiện lên màn hình. Đến cự ly 32km, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn cho phát lệnh phóng. Hai quả tên lửa lao vào trời đêm, đạn gặp mục tiêu ở cự ly 23km, nổ tung. Máy bay B-52 đã được thông báo rơi tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ).

Qua 12 ngày đêm dũng cảm, mưu trí, sáng tạo đánh địch, Tiểu đoàn 77 đã bắn rơi nhiều B-52 và nói vui với nhau: “Đánh B-52 dễ hơn đánh máy bay chiến thuật; đánh B-52 như đơm đó bắt cá vậy”! Vì vậy, trong chiến dịch, Tiểu đoàn 77 đã đánh 18 trận, có 14 trận bắt được mục tiêu khi đánh bằng phương pháp vượt nửa góc, là một trong hai tiểu đoàn tên lửa bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất trong chiến dịch.

Trung tướng Phan Thu (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu của Quân chủng Phòng không-Không quân) cho rằng: “Để đánh và tiêu diệt nhiều máy bay B-52, bắn rơi tại chỗ, là cả một quá trình nghiên cứu, đánh đổi bằng cả trí tuệ và xương máu của bộ đội phòng không-không quân nói riêng, quân và dân miền bắc nói chung”.

Trung tướng Phan Thu kể, khi đi ném bom, máy bay B-52 được hộ tống bởi nhiều tốp máy bay tiêm kích có số lượng gấp đôi số máy bay B-52 trong đội hình. Để bảo đảm an toàn cho máy bay B-52 và đề phòng máy bay MiG-21 của ta tiến công, Mỹ đã cho nhiều tốp máy bay cường kích đi trước để chế áp các sân bay và các trận địa tên lửa phòng không. Hỗ trợ tác chiến điện tử cho máy bay B-52 còn có máy bay trinh sát điện tử EB-66, EC-121, EA-6A… gây nhiễu từ hạm tàu ngoài khơi. Riêng bản thân máy bay B-52 cũng có một trung tâm tác chiến điện tử để trinh sát và gây nhiễu, với 14 máy gây nhiễu tích cực và bốn máy gây nhiễu tiêu cực. Với khả năng và trang bị trên máy bay B-52, sự hỗ trợ bằng nhiễu ngoài đội hình và số lượng lớn tiêm kích, cường kích, Mỹ cho rằng máy bay B-52 là bất khả xâm phạm.

Ngày 16/4/1972, Mỹ huy động 270 lần máy bay tấn công, trong đó có chín chiếc B-52 ra đánh Hải Phòng và pháo hạm phối hợp bắn vào khu vực Đồ Sơn. Bố trí ở đây, ta có hai Trung đoàn Tên lửa 238 và 285, đánh trả quyết liệt, phóng đến 93 quả đạn tên lửa nhưng không rơi một chiếc B-52 nào. Cùng ngày, Mỹ sử dụng 60 lần máy bay chiến thuật bay ở độ cao từ 7 đến 8km đột nhập phía tây Hà Nội; bộ đội ra-đa cảnh giới thông báo nhầm, là B-52 vào đánh Hà Nội.

Hai Trung đoàn Tên lửa 257 và 261 bảo vệ Hà Nội cũng đã phóng đến 36 quả đạn tên lửa, đạn đều trượt mục tiêu và tự hủy. Các tướng lĩnh ở Lầu năm góc đưa ra lời tuyên bố như đinh đóng cột: “Bằng kỹ thuật điện tử, không lực Hoa Kỳ có thể bịt mắt toàn bộ hệ thống phòng không của đối phương, có thể ném bom bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Bắc Việt như đi vào chỗ không người”.

Kế hoạch đầu tiên đánh B-52 được hình thành trong căn phòng của Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặng Tính, có thêm Phó Tư lệnh Lê Văn Tri và Phó Chính ủy Nguyễn Xuân Mậu... Họ đưa ra những phác thảo ban đầu về kế hoạch đánh B-52. Từ sau ngày hôm đó, cơ quan Quân chủng Phòng không-Không quân đã nhiều lần hoàn chỉnh nhiều phương án đánh B-52. Đến phương án cuối cùng là phương án 11 đã được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp phê duyệt ngày 24/11/1972. Quan điểm, cách đánh của ta là sử dụng máy bay MiG-21 bay vòng ngoài, uy hiếp máy bay và hạm tàu, phá vỡ đội hình địch tiến công, không tiếp cận được mục tiêu đánh phá, làm nhiễu giảm nhẹ, giúp cho tên lửa bắt được B-52 từ xa và bám sát tiêu diệt.

Thực tế trận chiến đã khẳng định rõ sự đúng đắn này. Bởi Hà Nội ở sâu trong đất liền, khi máy bay B-52 càng bay vào, góc tà của nó càng nâng cao cho nên đã thoát ra khỏi sự yểm trợ về nhiễu của các mục tiêu gây nhiễu ngoài đội hình khiến B-52 lúc này chỉ còn dựa vào máy gây nhiễu của bản thân nó, tạo điều kiện cho tên lửa SAM-2 bắt được mục tiêu và đánh bằng phương pháp bắn đón vượt nửa góc. Cùng với đó, nhờ quân đội ta đã cải tiến kỹ thuật chống nhiễu và chống nhiễu rãnh đạn thành công đã góp phần quan trọng hạ gục “pháo đài bay” B-52, làm nên chiến thắng vang dội 12 ngày đêm lịch sử.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục