Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Dự họp có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì phiên họp. Ảnh: Quang Hòa
Quyết liệt hành động, tạo bứt phá trong năm 2023
Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2023 đặt ra mục tiêu: Tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 8,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 55,1 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 8%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,7%; trồng mới 9.600 ha rừng tập trung; duy trì giữ vững chất lượng các tiêu chí của 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn; thu ngân sách đạt 3.225 tỷ đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều xuống dưới 3,5%, nâng chỉ số chuyển đổi số, phấn đấu xếp hạng trong top 35 của cả nước.
Năm 2023, tổng vốn ngân sách Nhà nước Trung ương dự kiến phân bổ về tỉnh trên 5,2 nghìn tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách địa phương, vốn ngân sách Trung ương. Dự kiến nguồn vốn sẽ được ưu tiên, tập trung thực hiện các chương trình, đề án lớn, các công trình trọng điểm của tỉnh.
Các đại biểu đều đồng tình, nhất trí với mục tiêu, kế hoạch đề ra, tuy nhiên phần giải pháp cần đề cập rõ nét nhiệm vụ của năm, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, xác định một số đầu điểm công việc mang tính điểm nhấn trong năm 2023. Đây cũng là năm cần thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn phát biểu nhấn mạnh các nhóm giải pháp
cho phát triển kinh tế, xã hội năm 2023. Ảnh: Quang Hòa
Về nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị phải thể hiện tinh thần quyết liệt hành động, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Năm 2023 cũng là năm thay đổi, thể hiện tư duy mới, sự nỗ lực cao độ để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ. Nghị quyết cũng phải cụ thể về việc nâng cao mẫu mã sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới, xây dựng kế hoạch để triển khai quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được Thủ tướng thông qua. Về phát triển hạ tầng giao thông, bổ sung các đầu điểm công việc trọng điểm, thúc đẩy một số tuyến giao thông kết nối vùng với tỉnh Yên Bái và Vĩnh Phúc; bổ sung nội dung phát triển thương mại, phát triển nguồn thu, đổi mới Lễ hội Thành Tuyên, tập trung cho công tác xuất khẩu lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu cho chuyển đổi số…
Đối với kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đồng tình với đề xuất của ngành chuyên môn, song phải rà soát lại các dự án, cân đối nguồn vốn để đảm bảo việc đầu tư hiệu quả; ưu tiên đầu tư các công trình trọng tâm, trọng điểm của tỉnh đang thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Chủ tịch cũng yêu cầu các huyện, thành phố, ngành chức năng kiểm tra các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư phải nhanh chóng hoàn thiện dự án trình UBND tỉnh phê duyệt trước 31-12.
Về kết quả thu, chi ngân sách, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm không còn nhiều, ngành chuyên môn cần bám sát đề án, khẩn trương tìm nguồn bù đắp hụt thu trên tinh thần thu đúng, đủ. Các huyện, thành phố, sở, ngành tăng cường kiểm tra đôn đốc hoàn thành mục tiêu đề ra, hạn chế chi chuyển nguồn; giải ngân theo đúng kế hoạch. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm túc phê bình các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư giải ngân các dự án chậm tiến độ...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương tham gia ý kiến, cho rằng các ngành cần làm rõ trọng tâm, trọng điểm phát triển ngành mình, địa phương mình trong năm 2023. Ảnh: Quang Hòa
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng
Dự thảo Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng giai đoạn 2022-2030 đề ra mục tiêu xây dựng phát triển sản phẩm du lịch Tuyên Quang đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, góp phần khẳng định được thương hiệu, sản phẩm du lịch của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đồng thời tập trung đầu tư vào các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch quốc gia Tân Trào gắn với dự án nghỉ dưỡng Flamingo và dự án Làng văn hóa du lịch và phát huy giá trị lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào; Khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang-Lâm Bình, Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl gắn với Khu du lịch nghỉ dưỡng và tắm khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử gắn với Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình, Khu trung tâm thương mại, nhà phố thương mại, phố đi bộ, chợ đêm, dịch vụ giải trí cao cấp thành phố Tuyên Quang...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố nghiên cứu kỹ để đóng góp ý kiến vào đề án để xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, then chốt, dựa trên khai thác các giá trị tài nguyên, thế mạnh tạo nên thương hiệu, hình ảnh cho du lịch Tuyên Quang.
Cũng trong phiên họp, các đại biểu xem xét, đóng góp ý kiến vào một số nội dung như: Chính sách hỗ trợ thực hiện bố trí ổn định dân cư trên địa bàn giai đoạn 2022-2025; dự thảo Quyết định của UBND tỉnh về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 trên địa bàn tỉnh; dự thảo thiết kế mẫu nhà văn hóa thôn, bản tổ dân phố; nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đường giao thông nông thôn.
Gửi phản hồi
In bài viết