Theo báo cáo của Bộ Y tế, mô hình dịch bệnh lần này khá đa dạng, nhưng chủ yếu là tại hộ gia đình và khu dân cư, đều theo 4 cấp đó là: Ca về từ Thành phố Hồ Chí Mình và lây lan ra cộng đồng; Lây lan từ chợ, chủ yếu có từ nguồn chợ đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh; Lây lan vào khu công nghiệp; Lây lan trong cộng đồng, phát hiện qua sàng lọc bệnh viện và tầm soát cộng đồng. Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tiếp tục tăng nhanh nếu các địa phương không thực hiện triệt để các biện pháp giãn cách và truy vết kịp thời.
Đại dịch COVID - 19 kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay đã làm đảo lộn tất cả từ việc phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Với nước ta, 6 tháng đầu năm 2021 mặc dù GDP vẫn tăng khá, nhưng điều này không có nghĩa là đời sống của đông đảo người dân không bị ảnh hưởng, khi mà nhiều người phải nghỉ việc do các doanh nghiệp sản xuất phải đóng cửa hoặc phải thực hiện việc giãn cách và cách ly. Chính phủ đã thực hiện gói hỗ trợ lần 1 theo Nghị quyết số 42/NQ - CP với tổng kinh phí hơn 32.694 tỷ đồng. Ngày 8-7-2021, Chính phủ quyết định gói hỗ trợ lần thứ hai 26.000 tỷ đồng.
Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự sẻ chia, đồng hành của Đảng và Nhà nước đối với các tổ chức và người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID - 19 gây ra. Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao phân bổ đến tận tay người được nhận nhanh nhất, thuận tiện nhất mà vẫn đảm bảo sự công khai, minh bạch. Bởi các gói hỗ trợ này từ ngân sách Nhà nước không chỉ giúp người nghèo, các đối tượng khó khăn “không bị bỏ lại phía sau” mà còn giúp họ chỉ tiêu, bảo đảm cho nền kinh tế vẫn được vận hành có hiệu quả.
Công tác phòng, chống dịch COVID - 19 đã được Chính phủ xác định: ưu tiên mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa đảm bảo tăng trưởng song phải linh hoạt các ưu tiên theo từng địa phương và từng thời điểm thích hợp. Đối với những tỉnh dịch diễn biến phức tạp thì ưu tiên số 1 là chống dịch; những tỉnh, thành chưa có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao thì ưu tiên cho sản xuất. Như vậy, chiến lược chung của công tác phòng chống dịch không thay đổi, nhưng chiến thuật có thể thay đổi phù hợp với tình hình của từng địa phương. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã trao quyền tự quyết cho Chính phủ trong các quyết sách chống dịch và giữ vững tăng trưởng kinh tế, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc sống cũng như trong việc tiêm vắc xin phòng COVID - 19.
Trong quá trình chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn cảnh báo tâm lý chủ quan, lơ là của các địa phương đối với dịch COVID - 19. Với tình hình dịch diễn biến phức tạp hiện nay, đòi hỏi các địa phương bên cạnh việc tiếp tục kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, cần phải quyết liệt hơn trong công tác phòng chống dịch; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã được quy định. Đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho nhân dân; đáp ứng nhu cầu về chăm sóc y tế cho nhân dân; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, không để xảy ra ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch tại các địa phương. Tiếp tục triển khai việc tiêm vắc xin phòng COVID - 19 trong nhân dân, song song với việc tiếp tục kiên trì thực hiện biện pháp 5K.
Chúng ta đã và đang thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống COVID - 19, tuy nhiên để chiến thắng được đại dịch này đòi hỏi “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi. Có như vậy chúng ta mới thực hiện được mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước; vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đảm bảo cho mọi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được an toàn như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID - 19 ngày 30-7-2021.
Gửi phản hồi
In bài viết