Nhà văn, nhà biên kịch Mario Puzo nổi tiếng khắp thế giới với “Bố già” (The Godfather). Tác phẩm của ông không chỉ được dịch ra nhiều thứ tiếng mà còn được chuyển thể sang tác phẩm điện ảnh. Ngoài “Bố già”, ông còn nhiều tác phẩm khác khai thác đề tài thế giới ngầm. Tuy nhiên, ngoài mảng đề tài đình đám này, tác giả Mario Puzo còn sáng tác ở nhiều đề tài khác, với cả chất liệu hiện thực và hư cấu, trong đó có 4 tác phẩm “Đất tiền đất bạc”, “Dại thì chết”, “Đấu trường u ám”, và “Tổng thống K. thứ tư”.
Thậm chí Mario Puzo còn thừa nhận, không phải "Bố già", mà chính một trong bốn cuốn tiểu thuyết này mới là tác phẩm “hay nhất và văn học nhất” của ông.
4 cuốn tiểu thuyết là 4 câu chuyện khác nhau, có khi đầy chất hiện thực, được xây dựng từ trải nghiệm của chính ông, với những nhân vật có nguyên mẫu trong đời thực, lại có khi hoàn toàn là giả tưởng. Nhưng dù câu chuyện là gì, Mario Puzo vẫn giữ được lối kể đầy cuốn hút, đưa người đọc bước vào hành trình ly kỳ với những nút thắt không ngờ.
“Đấu trường u ám” (The Dark Arena) được xuất bản năm 1955, lấy bối cảnh nước Đức sau Thế chiến II ngổn ngang và hoang tàn phế tích. Trên nền sân khấu tan hoang ấy là những nhân vật của thời cuộc. Với tác phẩm này, Mario Puzo đã phơi bày hiện thực u ám của cuộc đời và sự khắc nghiệt của chiến tranh. Cuốn sách mang tên tuổi của Mario Puzo đến với độc giả, trước cả “Bố già”. Bản tiếng Việt do dịch giả Thanh Hoa chuyển ngữ. Tờ The Nation nhận xét: “Một trong những tác phẩm hay nhất về giai đoạn Mỹ tiến vào nước Đức”.
“Đất tiền đất bạc” (The Fortunate Pilgrim) là tiểu thuyết thứ hai trong sự nghiệp sáng tác của Mario Puzo, kể câu chuyện về những con người tìm đến nước Mỹ như miền đất hứa, tranh giành miếng ăn, lợi ích, bất chấp đạo lý và tình người. Một tiểu thuyết đầy tính hiện thực và nhân văn mà ít người ngờ tới ở Mario Puzo. Cuốn tiểu thuyết được dịch giả Ngọc Thứ Lang, người từng dịch “Bố già” chuyển ngữ. Chính bản thân tác giả nhận xét: “Đất tiền đất bạc là cuốn sách hay nhất và văn học nhất của tôi”.
“Dại thì chết” (Fools die): Câu chuyện lấy chất liệu từ cuộc đời Puzo, do chính tác giả viết bằng kinh nghiệm thực tế của mình, với nhiều nhân vật có nguyên mẫu trong đời thực, bao gồm chính ông. Tác phẩm lấy văn chương, điện ảnh và cờ bạc làm đề tài chính, trên nền bối cảnh là ba kinh đô của nước Mỹ: kinh đô văn chương New York, kinh đô điện ảnh Hollywood và kinh đô cờ bạc Las Vegas.
Nói về “Dại thì chết”, The New York Times Book Review nhận xét: “Tiền tài và danh vọng, lừa bịp, dối gian và lợi dụng, cảnh này nối đuôi cảnh lộn xộn khác, tất cả đều được viết với sức sống không bao giờ lụi tàn... Chỉ những độc giả thờ ơ mới có thể không thiết ngấu nghiến tất cả những thứ này”.
Từng được xuất bản ở Việt Nam dưới những nhan đề khác nhau, lần này, cuốn sách được dịch hoàn toàn mới do dịch giả Nguyễn Minh thực hiện, với tên gọi “Dại thì chết”.
“Tổng thống K. thứ tư” (The Fourth K.) là một tiểu thuyết chính trị giả tưởng, kể câu chuyện một người nữa của gia tộc Kennedy trở thành Tổng thống Mỹ, trong một thời đại đầy nhiễu nhương, khi lòng tin của thế giới đối với vị thế siêu cường của Mỹ đang mờ nhạt dần.
Vẫn với lối kể chuyện hấp dẫn, Mario Puzo sẽ đưa người đọc đi từ âm mưu này đến âm mưu khác và bước vào một đại kết cuộc sau cùng.
Mặc dù được Mario Puzo sáng tác từ năm 1990, tác phẩm vẫn mang đầy đủ tính hấp dẫn và thời sự với độc giả cho tới tận ngày nay. Hay có thể nói như nhận xét của The Washington Post về cuốn sách: “Cuốn sách kinh điển khiến bạn đọc không dừng được... Tổng thống K. thứ tư có tất cả những gì bạn tìm kiếm ở một tác phẩm giật gân”.
Tổng thống K. thứ tư do Orkid chuyển ngữ, đây là dịch giả từng chuyển ngữ thành công một số tiểu thuyết trinh thám như “Công lý cho ai” (Phillip Margolin) hay “Đơn độc” (Lisa Gardner)…
Tại Việt Nam, Đông A là đơn vị duy nhất giữ quyền dịch và in thương mại 9 tiểu thuyết nổi tiếng của Mario Puzo, trong đó 5 cuốn đã ra mắt trước đây. 4 cuốn mới ra này, sẽ góp phần đưa bạn đọc đến gần hơn với diện mạo văn học của nhà văn ăn khách Mario Puzo, cho thấy một góc nhìn tương đối khác, đầy thu hút và nhân văn, như Martin Chilton, cây bút phê bình của The Independent (UK) đánh giá: “Tiểu thuyết của Puzo không chỉ là những câu chuyện gangster, mà còn là sự mổ xẻ đầy ấn tượng về trải nghiệm của người nhập cư và những bình luận sâu sắc về lòng tham”.
Gửi phản hồi
In bài viết