Các chuyên gia Pháp giới thiệu về kho tư liệu ảnh.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam (1973-2023).
Dự án hợp tác dài hạn này được khởi xướng từ năm 2019, do Viện Thông tin Khoa học xã hội, cơ quan khoa học và công nghệ trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, một trong năm trường Pháp ở nước ngoài.
Phông ảnh di sản của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp được tạo nên từ đầu thế kỷ 20 tại Hà Nội từ những cống hiến liên tục: đóng góp của các nhà nghiên cứu, biếu tặng từ du khách, từ những nhà sưu tầm nghiệp dư và các cơ quan chính phủ. Phông ảnh gồm ảnh tư liệu và khoa học, trong đó phần lớn là ảnh các di tích, các cuộc khai quật khảo cổ học, ảnh những nghi lễ tôn giáo, các hiện vật bảo tàng, những thành phần kiến trúc, sao in tài liệu và ảnh chụp từ trên không trung.
Tháng 9/1954, EFEO chuyển trụ sở chính từ Hà Nội vào Sài Gòn, một bản sao bộ sưu tập ảnh đã được gửi về Paris, nơi đặt trụ sở chính của EFEO vào năm 1961, hình thành kho tư liệu ảnh ở Paris. Hai kho tư liệu ảnh được lưu trữ tại Hà Nội và Paris do ISSI và EFEO quản lý, bổ sung cho nhau và không ngừng phát triển.
Một số bức ảnh được trưng bày tại buổi ra mắt.
Thư viện ảnh ảo chung tập hợp gần 70.000 bức ảnh (57.000 bức ảnh từ kho ảnh của ISSI và hơn 10.000 bức ảnh của EFEO), được chụp tại Việt Nam và ở nhiều nước châu Á khác trong giai đoạn từ đầu thế kỷ 20 đến những năm 1980, bao gồm bộ phông ảnh lịch sử trong kho ảnh của EFEO được giữ lại ở Hà Nội, nay đã trở thành bộ sưu tập ảnh cổ của ISSI.
Thư viện ảnh trực tuyến này được quản lý bằng một công cụ hiện đại, khai thác những lợi thế sẵn có như các bộ sưu tập ảnh được số hóa, kết hợp quản lý cơ sở dữ liệu. Tập hợp các phông ảnh trên một trang web chung là một thuận lợi rất lớn đối với các nhà nghiên cứu.
Tại sự kiện, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Thông tin Khoa học xã hội và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp cũng giới thiệu triển lãm ảnh “Một thế kỷ tư liệu ảnh khoa học: di sản chung của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Viện Thông tin Khoa học xã hội”.
Gửi phản hồi
In bài viết