Cảnh trong trích đoạn vở “Wicked”. (Ảnh NV)
Sân khấu nhạc kịch có thể kể lại một câu chuyện hoàn chỉnh thông qua âm nhạc, lời thoại, diễn xuất và cả vũ đạo. Khi biểu diễn, các yếu tố âm nhạc, bối cảnh dàn dựng, ngôn ngữ hình thể do diễn viên biểu đạt sẽ hợp thành một thể thống nhất, dẫn dắt người xem đi từ tình tiết này đến tình tiết khác, đồng thời truyền tải được nhiều cung bậc cảm xúc chân thật nhất đến khán giả. Nhạc kịch có yêu cầu rất cao về kỹ thuật sân khấu, đòi hỏi diễn viên phải lột tả được nhân vật thông qua từng câu chữ, âm nhạc và hành động sân khấu, giúp khán giả có thể cảm nhận rõ nét về ý nghĩa nội dung và cảm xúc của vở nhạc kịch.
Nhiều năm qua, bên cạnh công tác giảng dạy, Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội đã dàn dựng thành công và đưa vào biểu diễn nhiều chương trình, vở diễn nhạc kịch. Có thể kể đến chương trình nhạc kịch “Lá đỏ”, câu chuyện âm nhạc “Bản tình ca người lính” với chùm ca khúc được liên kết với nhau thông qua lời kể chuyện của nhân vật hay các vở nhạc kịch “Wicked”, “Cô Sao”…. Trong đó, các tiết mục hát nhóm được chia theo ba phong cách dựa theo chương trình cùng sự tham gia của nhiều giảng viên, chuyên gia và học viên, sinh viên Khoa Thanh nhạc.
Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện, có khá nhiều trở ngại bởi tính chất nhiệm vụ còn mới. Mới đây nhất, Khoa Thanh nhạc thí điểm dàn dựng màn 1
vở “Wicked” - một vở nhạc kịch nổi tiếng của Stephen Schwartz. Việc tiếp cận kịch bản gốc bằng tiếng Anh khá khó khăn, nhưng khó hơn là trong biên kịch, phải vừa bảo đảm ngắn gọn, vừa phải bám sát kịch bản. Bên cạnh đó còn không ít trở ngại trong phân công phụ trách quy trình, phân loại giọng hát và năng lực… Tuy nhiên, khi tham gia vở diễn, các diễn viên đã thể hiện được tinh thần, tính chất của nhạc kịch, tạo nên một không gian thật sự sống động, đầy sức cuốn hút từ các hoạt động ca hát kết hợp với thoại kịch và nhảy múa. Các học viên, sinh viên đã biểu diễn hát, múa với các động tác đồng đều, mạnh mẽ, linh hoạt và tự nhiên.
Về chất lượng kịch, mặc dù toàn bộ buổi diễn, các tác phẩm và lời thoại kịch đều được sử dụng tiếng Anh, nhưng vẫn không mất đi tác dụng thẩm thấu của nghệ thuật đến khán giả. Ê-kíp dàn dựng đã sử dụng hiệu quả màn hình led với những hình ảnh tạo nên không gian của vở diễn, đồng thời có phần phụ đề bằng tiếng Việt, giúp người xem có thể nắm bắt được toàn bộ nội dung và diễn biến. Vở nhạc kịch như một câu chuyện do hai nhân vật kể lại, dẫn dắt người xem đến với các tình tiết và nội dung tạo nên sự háo hức, hiếu kỳ…
Việc tiếp cận vở nhạc kịch “Wicked” nói riêng và các vở nhạc kịch khác nói chung đối với các cán bộ, giảng viên Khoa Thanh nhạc là một thử thách về trình độ chuyên môn, về khả năng cập nhật kiến thức, tính kiên trì và sự sáng tạo của mỗi người, đồng thời cũng là cơ hội lớn để mỗi người có điều kiện nâng cao hiểu biết nghề nghiệp, năng lực của bản thân trong công tác đào tạo. Khoa Thanh nhạc đã tổ chức biểu diễn báo cáo thí điểm trích đoạn vở nhạc kịch này cùng trích đoạn vở nhạc kịch “Cô Sao” của Việt Nam theo phong cách hát nhạc nhẹ và hát thính phòng-cổ điển để có sự so sánh, được giới chuyên môn và người xem đánh giá cao.
Thành công bước đầu của các buổi biểu diễn thí điểm đã góp phần củng cố và bồi dưỡng hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật và kỹ năng biểu diễn cho học viên, sinh viên bởi mỗi tác phẩm nhạc kịch luôn mang trong đó các yếu tố văn hóa, lịch sử, xã hội. Quá trình dàn dựng giúp học viên, sinh viên của khoa có cơ hội khám phá năng lực tiềm ẩn của bản thân trong lĩnh vực nghệ thuật. Đồng thời, họ cũng được phát triển kỹ năng chuyên môn một cách toàn diện, từ kỹ thuật thanh nhạc, diễn xuất đến khả năng nhảy múa trên sân khấu, bởi sân khấu nhạc kịch yêu cầu diễn viên phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa diễn xuất, ca hát và vũ đạo. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong vở diễn cũng giúp các học viên, sinh viên bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhóm và cách chia sẻ trách nhiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong tập luyện và biểu diễn.
Quá trình luyện tập đến biểu diễn báo cáo vở “Wicked” diễn ra trong khoảng ba tháng, các bạn trẻ phải nỗ lực học tập rất nhiều để đáp ứng được yêu cầu của kịch bản, từ phát âm, các đoạn hát nói trên quãng giọng cao, vừa hát vừa nhảy múa với nhiều tư thế, động tác khó, bảo đảm đồng đều bên cạnh những ngày tập hát lời hát tiếng Anh, với yêu cầu về nhả chữ, giữ bè và hòa giọng theo phong cách nhạc nhẹ, có liên tục các nốt treo. Các học viên, sinh viên đều tiến bộ qua từng ngày tập, từ đó mỗi người có sự hứng thú, định hướng rõ ràng trong học tập và phát triển sau này, đồng thời tự tin hơn trên sân khấu, cải thiện khả năng giao tiếp và bản lĩnh hơn khi biểu diễn và thể hiện bản thân trước công chúng.
Hoạt động đào tạo và nâng cao kỹ năng biểu diễn học viên, sinh viên Khoa Thanh nhạc của Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội là một nội dung cấp thiết gắn liền với sự phát triển của khoa và nhà trường trong thời kỳ mới. Qua đó có thể khẳng định, việc đưa nhạc kịch vào quá trình đào tạo cho học viên, sinh viên thanh nhạc như một công cụ giảng sẽ góp phần phát triển toàn diện các kỹ năng mềm cần thiết cho một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết