Sân chơi thiết thực của các hòa giải viên

- Hội thi "Hòa giải viên giỏi" cấp tỉnh đã khép lại và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Hội thi không chỉ là sân chơi thiết thực, là nơi chia sẻ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở mà còn là nơi tôn vinh những hòa giải viên cơ sở nhiệt tình, khéo léo. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải, đồng thời tuyên truyền kiến thức về pháp luật cho đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Đưa kiến thức pháp luật đến đông đảo nhân dân

Hội thi "Hòa giải viên giỏi" cấp tỉnh năm 2023 có 7 đội thi với 21 thành viên là các cán bộ hòa giải giỏi cơ sở tham dự. Các đội tham gia 3 phần thi bằng hình thức sân khấu hóa gồm: chào hỏi, xử lý tình huống và thi tiểu phẩm. Nội dung thi tập trung vào các kiến thức pháp luật thuộc các lĩnh vực: dân sự, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, đất đai... Mỗi phần thi, các đội đã khéo léo lồng ghép các kiến thức pháp luật vào, vừa cho thấy sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, vừa thể hiện sự hiểu biết pháp luật của các hòa giải viên ở cơ sở.

Ở phần thi giới thiệu, chỉ với 5 phút ngắn ngủi, bằng các lời ca, tiếng hát hoặc các âm điệu của các bài hò, vè, đồng dao, các đội đã đưa nội dung giới thiệu cô đọng, đầy đủ nhất về đội thi, đặc thù và tình hình công tác hòa giải tại địa phương mình đầy dí dỏm, sinh động, hấp dẫn, phản ánh được bản sắc văn hóa của địa phương. Ấn tượng nhất đó là đội thi của huyện Sơn Dương.

Phần thi xử lý tình huống của đội Lâm Bình.

Ở phần thi xử lý tình huống, các đội thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm, giải thích lý do lựa chọn và đưa ra phương án hòa giải 1 tình huống mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật do Ban tổ chức Hội thi đặt ra. Ở phần thi này rất nhiều kiến thức pháp luật được các đội trả lời chính xác, chi tiết, trong đó đội thi thành phố Tuyên Quang là đội có phần xử lý tình huống xuất sắc nhất.

Ở phần thi tiểu phẩm, mỗi đội thi đã đem tới hội thi những câu chuyện đời thường cụ thể là những vụ việc xích mích thuộc phạm vi hòa giải tại cơ sở như: "Chuyện cái hàng rào", "Chỉ tại con trâu", "Lỗi tại ai", "Tình làng nghĩa xóm", hay "Câu chuyện chuyển đổi số”... Tuy là các diễn viên không chuyên, xong các thành viên của mỗi đội đều hóa thân vào các vai diễn với diễn xuất rất tài tình, phản ánh đúng những thực trạng, những câu chuyện xích mích ở thôn, xóm, tổ dân phố. Đồng thời, cho người xem thấy được những cách giải quyết "thấu tình đạt lý” của các hòa giải viên ở cơ sở đã giúp biến những "chuyện to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không" ngay từ cơ sở.

 Điểm mới năm nay, Hội thi được Ban tổ chức phối hợp với Báo Tuyên Quang truyền hình trực tiếp trên fanpage Báo Tuyên Quang online, được lưu giữ và phát thường xuyên trên kênh Youtube Báo Tuyên Quang và trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, trang fanpage Phổ biến, giáo dục pháp luật Tuyên Quang. Chính vì thế, toàn bộ nội dung hội thi được chuyển tải đến đông đảo nhân dân, không chỉ là các cán bộ, đảng viên, nhân dân có mặt trực tiếp xem và cổ vũ tại hội thi mà còn hàng nghìn người xem, bày tỏ cảm xúc qua mạng xã hội và chia sẻ hội thi đến với bạn bè để xem lại nhiều lần.

Nâng cao kỹ năng hòa giải cơ sở

Để tham gia Hội thi, các hòa giải viên phải dành nhiều thời gian, nghiên cứu và nắm chắc các kiến thức pháp luật, nắm bắt những vướng mắc thực tế ở cơ sở, biến thực tế thành những câu chuyện, thông qua đó vận dụng các lý lẽ, kinh nghiệm hòa giải để giải quyết các vụ việc xích mích nảy sinh trong cơ sở.

Phần thi tiểu phẩm của đội thành phố Tuyên Quang.

Chị Poọng Thị Kiên, dân tộc Tày, hòa giải viên của thôn Nà Liềm, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) tham gia công tác hòa giải ở thôn từ năm 2016. Chị cho biết, chị học hỏi thêm được rất nhiều kinh nghiệm quý trong xử lý tình huống, cách giải quyết vấn đề của các hòa giải viên khác, nhất là việc giải quyết các vụ việc liên quan đến các tranh chấp đất đai, đây cũng là thực tế thường xảy ra và cần phải hòa giải ở thôn chị.

Đồng chí Nguyễn Thị Thược, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đánh giá: "Các tiểu phẩm mà các đội thi mang đến dự thi đều là những câu chuyện xuất phát từ thực tế cuộc sống cộng đồng dân cư, trong mối quan hệ của mỗi gia đình. Các đội xử lý về cơ bản đều có tình, có lý, đảm bảo logic của tình huống và đạt được tính pháp lý, hợp lý. Các đội đều có sự đầu tư kỹ lưỡng, công phu, chu đáo về đạo cụ, hình ảnh, trang phục, công cụ hỗ trợ khác phù hợp với nội dung tiểu phẩm, đảm bảo yêu cầu đề ra.

Đây cũng là dịp để tôn vinh những người làm công tác hòa giải - người "vác tù và” hàng tổng, bằng sự hiểu biết, nhiệt huyết của mình, họ đã đem lại sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Thông qua đó, mang thông điệp đến tất cả các cấp, ngành, nhất là đối với cơ sở, vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, đảm bảo giữ được tình làng, nghĩa xóm, an ninh trật tự ở địa phương, để cấp ủy, chính quyền địa phương có sự quan tâm, tạo điều kiện cho công tác hòa giải và người dân cùng thông cảm, chia sẻ với những người làm công tác hòa giải từ địa phương.

Bài, ảnh: Thu Hương

Tin cùng chuyên mục