Liên hoan năm nay thu hút sự tham gia của 13 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp với 13 tác phẩm sân khấu ở nhiều thể loại. Điều thú vị là ngoài 10 đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn Hà Nội (bao gồm: Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch quân đội, Nhà hát Chèo quân đội, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Chi hội Biểu diễn Nghệ thuật Thăng Long thuộc Hội Sân khấu Hà Nội, Sân khấu Lệ Ngọc), liên hoan còn có sự góp mặt của ba đơn vị nghệ thuật phía nam là Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Song Việt, Sân khấu Sen Việt, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, song hành cùng các đơn vị công lập là sự xuất hiện của những đơn vị xã hội hóa ở cả hai miền nam-bắc.
Bên cạnh những tác phẩm dự thi ở thể loại kịch, chèo, cải lương, đây cũng là lần đầu liên hoan ghi nhận sự tham gia của xiếc. Sự đa dạng về thành phần dự thi và sự phong phú về các loại hình tranh tài tại Liên hoan hứa hẹn mang đến “bữa tiệc” nghệ thuật sân khấu giàu sắc màu, đủ hấp dẫn để thu hút công chúng.
Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho hay: Các tác phẩm sân khấu ở nhiều thể loại tham dự liên hoan đều là những vở diễn đã được thẩm định về mặt nội dung, nghệ thuật và được đầu tư, chăm chút ở mức độ cao. “Anh chị em nghệ sĩ đang rất trông đợi vào cuộc hội tụ nghề nghiệp này vì đây là một trong những sân chơi lớn, có đối tượng khán giả thủ đô vốn khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng nghệ thuật cũng như nội dung. Ban tổ chức đã lựa chọn các nhà chuyên môn có uy tín, có sự công tâm để đưa ra những đánh giá chính xác nhất đối với các đơn vị, nghệ sĩ tham dự. Liên hoan chắc chắn sẽ là một trong những sự kiện văn hóa đáng chú ý của Thủ đô”, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhìn vào kịch mục các tác phẩm dự thi, không ít người vẫn thấy thiếu vắng yếu tố bản sắc bởi một Liên hoan Sân khấu Thủ đô lại có ít tác phẩm khai thác đề tài về Hà Nội, ngoại trừ một số vở diễn mà nghe tên đã cảm nhận được chất Hà Nội như: Bất tử với Thăng Long (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Hà Nội thành phố của những giấc mơ (Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội), Huyền tích Chùa Một Cột (Sân khấu Lệ Ngọc)…
Đáng nói, chiếm phần lớn là các vở diễn hướng đến đề tài lịch sử, rất ít tác phẩm khai thác đề tài hiện đại. Từ đây, phần nào thấy được “khoảng trống” không nhỏ của sân khấu về Hà Nội, nhất là những tác phẩm về thành phố hôm nay đang từng ngày phát triển. Chia sẻ về điều này, Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết: Để tìm một kịch bản hay về đề tài hiện đại nói chung, về Hà Nội nói riêng là điều vô cùng khó khăn đối với các đơn vị sân khấu hiện nay. Những năm trở lại đây, ngày càng “khan hiếm” các tác giả viết cho sân khấu, thậm chí ngay cả khâu bồi dưỡng, đào tạo tác giả cho sân khấu ở các trường nghệ thuật cũng gặp khó khăn vì không có thí sinh đăng ký.
Chính vì thế, số lượng tác giả sáng tác đề tài về Hà Nội càng ít hơn. “Năm nào, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng dàn dựng từ ba đến bốn vở, trong đó phải có vở về đề tài Hà Nội, song luôn bị thiếu. Chúng tôi phải tìm mọi cách đặt hàng, hoặc tự tìm ý tưởng, gợi ý để các đồng nghiệp viết. Chúng tôi rất mong các cơ quan có trách nhiệm trong ngành có kế hoạch chiến lược bồi dưỡng, đào tạo lực lượng tác giả và lý luận cho ngành sân khấu, nếu không sẽ rất khó khăn cho các đơn vị nghệ thuật khi tìm kịch bản hay, có chất lượng”, Nghệ sĩ Nhân dân Trung Hiếu bày tỏ.
Trao đổi tại buổi họp báo về Liên hoan diễn ra ngày 20/9 tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Phạm Thị Mỹ Hoa cho biết, Ban tổ chức đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật tham gia liên hoan lần này có cơ hội biểu diễn cũng như thông tin đến công chúng Thủ đô bằng nhiều hình thức để các suất diễn trong Liên hoan thu hút đông đảo khán giả tới xem.
Qua việc tổ chức Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 5 năm 2022, cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ sở để nắm bắt được thực lực của sân khấu Thủ đô nhằm đưa ra những giải pháp đầu tư trọng điểm để khắc phục tình trạng thiếu kịch bản, thiếu tác phẩm nghệ thuật khai thác về đề tài Hà Nội, khơi thông cho những khó khăn của các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn thành phố. Theo thông tin từ Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, sau khi liên hoan kết thúc, Hội sẽ tổ chức hội thảo để đánh giá, nhìn nhận lại liên hoan và các tác phẩm tham dự, qua đó tìm hướng đi để nâng cao chất lượng, quảng bá tác phẩm đến với đông đảo công chúng.
Gửi phản hồi
In bài viết