Xã Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) nổi tiếng với nghề làm chuồn chuồn tre thủ công. Theo lời kể của người dân trong làng, trước đây có nhiều gia đình cũng theo làm nghề này. Tuy nhiên, sau đó nhiều người đã bỏ nghề chuyển sang làm các nghề khác đem lại thu nhập cao hơn, trong xã hiện chỉ còn vài hộ vẫn gắn bó với nghề.
Nguyên liệu để làm chuồn chuồn tre Thạch Xá là từ cây tre. Những cây tre qua bàn tay đẽo gọt của “nghệ nhân” trở thành những sản phẩm trang trí, đồ chơi thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Văn Tái, người đã có 23 năm gắn bó với nghề kể lại: “Khi thấy những người bán hàng mang các sản phẩm chuồn chuồn tre tới chùa Tây Phương để bán, tôi tự hỏi tại sao quê mình cũng có tre mà lại không làm những sản phẩm như vậy!”.
Ông Tái cho biết thêm, để làm ra được những sản phẩm chuồn chuồn tre đẹp và có hồn thì quá trình chọn lọc, bảo quản và chế biến tre rất quan trọng. Những cây tre được chọn phải đáp ứng được những yếu tố: thân không mối mọt, tre ít mấu và phải thẳng để dễ dàng tạo hình sản phẩm. Những cây tre được chặt về sẽ được phơi khô để tránh ẩm mốc và không ăn màu khi sơn vào sản phẩm.
Từ những cây tre thô sơ, người nghệ nhân làm cho những mảnh tre có hồn, trở thành những con vật sống động. Nghệ nhân Nguyễn Thị Xoan, người có 20 năm kinh nghiệm với nghề tâm sự: “Tôi cứ giữ nghề vì nhờ nó mà gia đình tôi có được cuộc sống như bây giờ, mới nuôi được các con ăn học đàng hoàng. Trong dịch Covid-19 không có nơi nào đặt đơn hàng, nhưng gia đình tôi vẫn làm vì nhớ nghề. Sau khi dịch bệnh được khống chế, du lịch mở cửa trở lại thì số hàng tồn kho đã được bán hết”.
Gia đình bà Xoan cũng có website: http//chuonchuontre.com do con trai bà, một sinh viên ngành công nghệ thông tin lập để giúp gia đình phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, sản phẩm chuồn chuồn tre cũng được bán trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada,...
Ngoài những sản phẩm chính là chuồn chuồn, những hộ giữ nghề còn làm các con vật khác như bươm bướm, cá, chim,... có giá dao động từ 3.000 đồng đến 20.000 đồng và cao hơn tùy thuộc vào từng loại theo kích cỡ sản phẩm.
Nếu ghé thăm phố cổ Hà Nội, du khách sẽ thấy những cửa hàng lưu niệm với đa dạng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác nhau và chuồn chuồn tre là một trong những mặt hàng được nhiều khách hàng lựa chọn.
Chị Quỳnh Anh - chủ cửa hàng Handicraft (số 7 phố Đinh Liệt, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Cửa hàng tôi đã bán sản phẩm chuồn chuồn tre được hơn 10 năm nay. Du khách nước ngoài khi nhìn thấy sản phẩm rất tò mò, sau khi được tôi giải thích về ý nghĩa và tính cân bằng của sản phẩm, họ thấy thú vị và chọn mua về làm quà. Cửa hàng tôi có bốn kích cỡ chuồn chuồn được trang trí nhiều họa tiết đặc sắc và có cả những sản phẩm mộc nguyên bản”.
Gửi phản hồi
In bài viết