Thay mặt nhóm đạo diễn, PGS, TS Bùi Chí Trung cho biết, bộ phim tài liệu “Mùa đông năm 1991” gồm 10 tập nói về sự kiện 30 năm Liên Xô tan rã - cơn địa chấn chính trị chấn động thế kỷ XX (25/12/1991-25/12/2021).
Sự kiện Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) tan rã diễn ra đã tròn 30 năm, nhưng trên phạm vi toàn thế giới, các phương tiện truyền thông đại chúng, các mạng xã hội vẫn đề cập đến sự kiện này với một sự chú ý đáng kinh ngạc.
Trong suốt 3 thập kỷ qua, cơ quan nghiên cứu xã hội học có uy tín hàng đầu nước Nga - Trung tâm Levada thường xuyên thực hiện các cuộc khảo sát xã hội qua từng năm. Kết quả cho thấy, Lenin và Stalin là hai cái tên luôn nằm trong danh sách 4 nhân vật được bầu chọn nhiều nhất cho vị trí nhân vật nổi bật nhất trong toàn bộ lịch sử đất nước.
Thậm chí, trong những năm gần đây, hai vị lãnh tụ Liên Xô này còn thường xuyên dẫn đầu danh sách với một tỷ lệ ủng hộ cách biệt so với phần còn lại. Tỷ lệ ủng hộ hệ thống chính trị kiểu Liên Xô của người Nga cũng có xu hướng gia tăng, chiếm tới 49% vào năm 2021, trong khi tỷ lệ ủng hộ cho mô hình tự do dân chủ kiểu phương Tây chỉ chiếm 16%.
Liên bang Nga hiện nay không còn là một nước xã hội chủ nghĩa nữa, nhưng những kết quả thăm dò dư luận này vẫn là minh chứng về tình cảm và thái độ của nhân dân với những ưu việt và tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội.
“Rõ ràng, nhân dân không hề từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà sự phản bội mang tính chất quyết định của một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đã tước đoạt đi chế độ xã hội chủ nghĩa ở đất nước này. Việc sửa đổi điều 6 Hiến pháp Liên Xô năm 1990 cũng do chính lực lượng này chủ trì, không một thế lực thù địch bên ngoài nào có khả năng thực hiện được điều đó”, PGS, TS Bùi Chí Trung nhấn mạnh.
Theo PGS, TS Bùi Chí Trung, năm 1990, khi ê-kíp của Mikhail Gorbachev lập ra chức vụ Tổng thống Liên Xô để thay thế Tổng Bí thư Đảng Cộng sản nắm giữ chức vụ Tổng Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang của Liên Xô, khi đó Đảng Cộng sản Liên Xô đã tự mình đoạn tuyệt với quân đội Liên Xô.
Đảng mất đi quyền kiểm soát quân đội cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự thất bại của cuộc chính biến ngày 19/8/1991, khi Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp cố gắng loại bỏ Mikhail Gorbachev để cứu lấy Đảng Cộng sản Liên Xô và Liên bang Xô viết.
Sau sự thất bại của cuộc chính biến 19/8/1991, Đảng Cộng sản bị cấm hoạt động trên lãnh thổ Liên bang Nga, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô cũng bị giải tán, đó chính là dấu chấm hết cho Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết sau 74 năm tồn tại.
Liên Xô tan rã là một tai họa cho nhân dân Liên Xô cũng như thế giới. Đó không chỉ là nhận định riêng của những người cộng sản. Mikhail Gorbachev đã phải thú nhận trong hồi ký của mình rằng: “Đó thực sự là một bi kịch - một bi kịch đối với đa số công dân Xô viết … Việc giải thể Liên bang đã làm thay đổi triệt để tình hình ở châu Âu và thế giới, phá vỡ sự cân bằng địa chính trị, làm suy yếu khả năng thực hiện nhiều phong trào tiến bộ đang diễn ra trong nền chính trị thế giới vào cuối năm 1991”.
Tổng thống đương nhiệm của Liên bang Nga, nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong nền chính trị Nga đương đại, ông Vladimir Putin cũng đã có một tổng kết nổi tiếng trên toàn thế giới: “Liên Xô sụp đổ là thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XX”.
PGS, TS Bùi Chí Trung cho biết, nhân dịp 30 năm sự kiện Liên Xô sụp đổ, nhóm thực hiện dự án phim muốn thông qua bộ phim để hệ thống hóa, xâu chuỗi các sự kiện, từ đó phân tích để đưa ra những câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi, như: Vì sao Liên Xô sụp đổ? Những bài học gì của sự kiện trải qua 30 năm vẫn còn nguyên vẹn giá trị?...
Đặc biệt, bộ phim sử dụng rất nhiều tư liệu quý lần đầu tiên được công bố, nhóm làm phim đã tỏa đi nhiều mũi cả ở trong nước và nước ngoài để thực hiện các phỏng vấn độc quyền chứng nhân lịch sử, các chuyên gia, học giả và nhiều nhân vật có liên quan đến sự kiện.
Gửi phản hồi
In bài viết