Siết chặt đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe, đặc biệt là các cơ sở đào tạo lái xe mô tô thực hiện nghiêm quá trình dạy và học bảo đảm đầy đủ nội dung chương trình đào tạo theo quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ, thời hạn sử dụng của GPLX.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải các tỉnh, thành phố chú trọng giảng dạy cho học viên hiểu biết về pháp luật giao thông đường bộ, kỹ năng điều khiển lái xe an toàn, chủ động xử lý kịp thời các tình huống có khả năng xảy ra tai nạn giao thông, nâng cao ý thức, đạo đức và văn hóa giao thông của người lái xe. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung về đào tạo lái xe, kịp thời phát hiện các vi phạm. Đơn vị chỉ đạo bộ phận giải quyết thủ tục hành chính về cấp, đổi GPLX thực hiện nghiêm việc tra cứu thông tin của người lái xe, dữ liệu GPLX vi phạm đã được ngành công an chia sẻ để kịp thời phát hiện các trường hợp GPLX bị tước quyền sử dụng nhưng khai báo mất rồi xin cấp lại hoặc phát hiện các trường hợp sử dụng GPLX không hợp lệ, GPLX giả.

Thực hành lái xe ô tô trong sa hình tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.

Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, thường xuyên bổ sung các nội dung mới vào giảng dạy, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên. Trường đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương tiện, trang thiết bị dạy và học. Ông Đinh Việt Cường, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, nhà trường đã đào tạo 70 lớp lái xe ô tô với tổng số 7.926 học viên; 9 lớp đào tạo xe mô tô với 1.700 học viên. Tỷ lệ thi sát hạch với lái xe ô tô các hạng đạt từ 80 - 95%. Hiện nhà trường tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, thực hiện tốt những quy định tại các thông tư của Bộ Giao thông - Vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ...; chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, giáo viên, từng bước hướng đến đào tạo đội ngũ giáo viên lái xe có tay nghề cao, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa khi tham gia giao thông.
Công ty TNHH Tâm Anh, đơn vị chuyên đào tạo lái xe ô tô đã trang bị các thiết bị giám sát đào tạo lái xe theo yêu cầu của Sở Giao thông - Vận tải. Ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Anh cho biết, trong 9 tháng năm 2022, đơn vị đào tạo được trên 1.000 học viên, giảm một nửa so với cùng kỳ 2021. Lý do học viên giảm một phần do thay đổi quy trình học, chi phí học tăng nên học viên phải có nhu cầu thật mới đăng ký học. Hiện học viên phải thực hành đủ 1.100 km, trong đó 290 km đi trong sa hình, 810 km thực hành trên đường mới đủ điều kiện thi. Trong quá trình học có camera giám sát 24/24h. Hiện công ty có 123 xe cho học viên thực hành có gắn thiết bị DAT nhằm giám sát thời gian học và số km thực hành của học viên.

Toàn tỉnh có 3 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 5 đơn vị đào tạo lái xe mô tô. Thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải đã thực hiện quản lý và cấp GPLX, tập lái trên phần mềm quản lý xe tập lái; trang bị phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo và sát hạch lái xe, lắp đặt thiết bị DAT nhằm giám sát thời gian học và số km thực hành của học viên; trang bị thiết bị mô phỏng để học thực hành lái xe; kiểm tra thực tế xe tập lái, hồ sơ xe tập lái theo quy định; kiểm tra hồ sơ giáo viên, cập nhật vào phần mềm theo quy định. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện tổ chức lớp tập huấn nâng cao trình độ giáo viên dạy lái xe theo chương trình quy định. Công tác tổ chức các kỳ sát hạch lái xe đều được thực hiện công khai, phần mềm sát hạch lái xe truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục