Vận dụng sáng tạo Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã phát động nhiều phong trào, hoạt động thi đua sôi nổi trên các lĩnh vực; bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, lựa chọn nội dung thi đua phù hợp nhằm khơi dậy ý chí tự lực tự cường, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được phát động trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân như phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Tuyên Quang thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Tuyên Quang đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, “Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cán bộ Sở Tư pháp nghiên cứu, trao đổi kỹ năng sử dụng các phần mềm trong quản lý và điều hành công việc,
đẩy mạnh chuyển đổi số.
Trên mỗi lĩnh vực lại có các phong trào thi đua khác nhau. Trong lĩnh vực kinh tế thi đua thực hiện các phong trào “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Lao động với năng suất, chất lượng hiệu quả”, “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật”. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội có các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Từ các phong trào thi đua yêu nước đã có nhiều cá nhân, tập thể điển hình được khen thưởng, tôn vinh. Năm 2022, các cấp có thẩm quyền đã khen thưởng cho 598 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua thường xuyên, chuyên đề, đột xuất.
Chúng tôi có mặt tại các tổ đội sản xuất của Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, được chứng kiến không khí lao động sản xuất luôn nhộn nhịp, khẩn trương trong tiết trời nắng nóng. Đồng chí Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính - Nhân sự của Nhà máy cho biết, phong trào thi đua “Sản xuất, kinh doanh giỏi” được Công đoàn phát động đến 100% đoàn viên công đoàn. Các tổ đội sản xuất lao động bằng tất cả nhiệt huyết, trách nhiệm để phấn đấu đạt năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm cao nhất.
Ước trong 6 tháng đầu năm nay, sản xuất bột giấy đạt 81.508/81.042 tấn, đạt 101% kế hoạch; sản xuất giấy đạt 54.491/53.778 tấn, đạt 101% kế hoạch. Số lao động có việc làm ổn định là 823 người, lương bình quân 10 triệu đồng/người/tháng (tăng 6% so với năm 2022). Doanh thu ước đạt 1.700/1.650 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch. Công ty nộp thuế, nộp ngân sách ước đạt: 45/94 tỷ đồng đạt 48% kế hoạch.
Thực hiện phong trào thi đua “Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, điều hành và quản trị nội bộ thực hiện trên nền tảng số, văn bản trao đổi giữa các cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, ký số. Sở Tư pháp là đơn vị điển hình, luôn dẫn đầu trong phong trào thi đua này nhiều năm qua. Năm 2022, Sở Tư pháp được UBND tỉnh đánh giá là đơn vị dẫn đầu về mức độ chuyển đổi số.
Người dân xã Phúc Ứng thi đua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, góp phần thi đua xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Lý Thị Hương Giang, Chánh Văn phòng Sở cho biết, Sở đã phát động phong trào thi đua đến 100% các đơn vị trực thuộc Sở và cán bộ, công chức, viên chức. Hàng năm xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện. Sở cũng đã tổ chức các hội thi “Công chức, viên chức Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang với công tác cải cách hành chính, văn hóa công sở, chuyển đổi số”. Trên mỗi cương vị, chức trách được giao, cán bộ, công chức, viên chức của Sở, các đơn vị trực thuộc lựa chọn những công việc phù hợp để đăng ký thi đua. Điển hình như cán bộ, công chức, viên chức của Sở đã thi đua hướng dẫn, tuyên truyền và trực tiếp hỗ trợ người dân tạo lập được 519 tài khoản đăng ký sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thực hiện tốt việc cung cấp 89 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu xử lý văn bản trên môi trường số hóa.
Một trong các phong trào thi đua diễn ra sôi nổi, tạo hiệu quả, khơi dậy ý chí tự lực, sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên, nhân dân ở các địa phương là phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đến nay, toàn tỉnh có 62 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 15,12 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 9 tiêu chí.
Xã Phúc Ứng (Sơn Dương) là 1 trong 12 xã có lộ trình về đích nông thôn mới trong năm nay và là xã duy nhất đã đạt tiêu chí về hộ nghèo. Đồng chí Dương Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã chia sẻ, xã đã phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới đến tất cả các thôn, nội dung tập trung vào xây dựng các mô hình kinh tế như rau, củ xuất khẩu, cho giá trị kinh tế cao; vận động nhân dân góp sức xây dựng nhà văn hóa thôn, hiến đất làm đường trục xã và đường liên thôn, nội thôn, nội đồng.
Đến nay, xã đã phát triển diện tích trồng rau củ lên tới 35 ha. Trên địa bàn xã hiện đang có 6 hợp tác xã hoạt động hiệu quả và 7 trang trại chăn nuôi cho thu nhập cao. Xã cũng đã thực hiện bê tông hóa đường trục thôn, đường nội đồng đạt 50% kế hoạch năm 2023. Các công trình nhà văn hóa thôn đang triển khai thi công đảm bảo tiến độ. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn trên 8%.
Từ thực tế trên cho thấy, phong trào thi đua yêu nước đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp triển khai sâu rộng, bài bản, mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào thi đua yêu nước đã khuyến khích được tinh thần sáng tạo, năng động, sức mạnh nội sinh trong cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân. Từ đó tạo ra hiệu quả, năng suất, chất lượng cao trong thực hiện nhiệm vụ.
Gửi phản hồi
In bài viết