Thông tin từ Ban Chỉ đạo, ngay sau khi Chương trình 06-CTr/TU được ban hành, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện chương trình, gồm: 98 nhiệm vụ, 18 chỉ tiêu, 2 nghị quyết chuyên đề, 14 đề án, 32 kế hoạch, 12 dự án; tăng cường tuyên truyền, quán triệt nội dung chương trình tới các sở, ban, ngành và 30 quận, huyện, thị xã để chủ động kế hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện.
Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm 2021, các nhóm nhiệm vụ: Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ thành phố tới cơ sở được triển khai kịp thời, hiệu quả. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục được chú trọng với việc thực hiện cưới, tang văn minh phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng và nhân rộng các mô hình thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học, đã tổ chức thành công kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021-2022 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao nhân các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và Thủ đô được tổ chức hiệu quả, an toàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân.
Cũng trong thời gian này, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU tập trung cho nhiệm vụ hoàn thiện Nghị quyết về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; tổ chức 3 tọa đàm trên các lĩnh vực, cấp độ phù hợp nhằm huy động những sáng kiến, tham vấn trí tuệ, tâm huyết đóng góp cho dự thảo Nghị quyết, với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước. Đến nay, đơn vị soạn thảo đã hoàn thiện nội dung Nghị quyết, trình các cấp xem xét, phê duyệt.
Bên cạnh kết quả, công tác triển khai Chương trình 06-CTr/TU cũng có những khó khăn, tồn tại, như: Chưa tạo được cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn xã hội hóa cũng như các nhà đầu tư có tiềm lực vào phát triển du lịch; tiến độ một số đề án, dự án triển khai còn chậm; ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho nhiều hoạt động văn hóa, du lịch... bị ngừng trệ...
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm, gồm: Hoàn thiện dự thảo và trình UBND thành phố, Ban Chỉ đạo ban hành các đề án, kế hoạch đề ra trong chương trình; tiếp tục tham mưu các công việc liên quan để trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ban hành Nghị quyết về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"..., chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử gắn với phòng, chống dịch bệnh; xây dựng quy tắc ứng xử trên không gian mạng...
Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu trong quý III-2021, phải hoàn thành các đề án, kế hoạch... trình các cấp phê duyệt, để triển khai thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, hiệu quả; nghiên cứu tham mưu cho thành phố về vấn đề nguồn lực đầu tư cho chương trình trong giai đoạn 2021-2025, như: Xây dựng trường chuẩn; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa...
"Sắp tới, thành phố sẽ điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô, các ngành cần rà soát tổng thể các nội dung quy hoạch thuộc lĩnh vực mình quản lý, có căn cứ số liệu, hệ thống thông tin so sánh để kịp thời tham mưu, đề xuất với thành phố, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững Thủ đô", đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Khẳng định Chương trình 06-CTr/TU giúp cho Thành ủy nhận diện rõ hơn tình hình thực tế, thực trạng về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, từ đó đề ra các định hướng, cơ chế chính sách phù hợp, hiệu quả, đầu tư nguồn lực để phát triển thành phố, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU Nguyễn Văn Phong đề nghị, trong 6 tháng cuối năm, phải hoàn thiện các kế hoạch, đề án, chuẩn bị đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Triển khai nghiên cứu, đi thực tế ở các địa phương để học tập các mô hình sáng tạo, hiệu quả, nhất là các mô hình với văn hóa cộng đồng. Sớm chọn ra các đơn vị, địa phương triển khai các mô hình điểm về văn hóa, như: Mô hình làng, xã văn hóa; mô hình khu dân cư văn hóa...
Gửi phản hồi
In bài viết