Tuyến đê tại địa phận xã Đông Thọ dài 5.000 m. Hiện mặt đê có nhiều vị trí bị hư hỏng, xuống cấp, sạt lở thân đê ở các thôn Đông Ninh, Xạ Hương, Đông Trai, Đông Thịnh. Tại thôn Xạ Hương phía bờ sông đang tiếp tục bị sạt lở, chiều cao vách taluy sạt từ 10 - 12 m, chiều dài 900 m cách chân đê trung bình 50 m. Trong đó, có 2 vị trí sạt lở nguy hiểm đe dọa an toàn tuyến đê. Nếu như tuyến đê xung yếu tại thôn Xạ Hương bị vỡ sẽ gây ngập lụt khoảng 10 ha đất nông nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 50 hộ dân.
Cán bộ xã Đông Thọ (Sơn Dương) rà soát, xác định nguy cơ mất an toàn của tuyến đê thôn Xạ Hương.
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thọ Nguyễn Minh Tuyển cho biết, để bảo vệ an toàn tại các điểm xung yếu đê, chính quyền địa phương đã tiến hành đổ cọc bê tông, không cho ô tô lưu thông, mở đường tránh cho người dân đi lại; đồng thời, thông báo tình hình diễn biến của đê để nhân dân biết; yêu cầu lực lượng quản lý đê thường xuyên kiểm tra phát hiện những hư hỏng của đê, máy đóng mở cống dưới đê, tổ chức sửa chữa kịp thời đảm bảo đê an toàn trước, trong và sau mùa mưa lũ; chuẩn bị lực lượng, vật tư, vật liệu, dụng cụ tại chỗ để ứng cứu đê, hộ đê khi có sự cố.
Tại xã Trường Sinh có hơn 9,3 km đê dọc theo bờ sông Lô. Hiện mặt đê có nhiều đoạn xuống cấp, xuất hiện nhiều hố đọng nước gây lầy thụt khi có mưa, phía bờ sông có nhiều điểm bị xói lở, tình trạng sạt lở đất soi bãi của người dân gia tăng rất nhanh ở các thôn Hưng Thành, Lương Thiện, Hưng Thịnh, Hưng Định... Đáng chú ý, sạt lở nghiêm trọng nhất xảy ra tại thôn Phú Thọ II, Quyết Thắng, vị trí sạt lở gần nhất cách chân đê khoảng 10 m với chiều dài sạt lở dọc bờ sông 1.000 m, chiều cao vách taluy sạt thẳng đứng từ 8 - 12 m.
Đồng chí Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Trường Sinh cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông thường xuyên xảy ra từ năm 2006 đến nay. Vì chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp, chính quyền địa phương đã đặt các biển cảnh báo để người dân biết, phòng tránh, không đi qua khu vực nguy hiểm. Đồng thời, xã chủ động xây dựng các phương án hộ đê, bảo vệ tuyến đê trong mùa mưa lũ.
Tình trạng sạt lở bờ sông, hành lang bảo vệ đê không chỉ xảy ra ở xã Trường Sinh mà còn xảy ra ở 14 trọng điểm, vị trí xung yếu đê, cống dưới đê trên địa bàn các xã Vĩnh Lợi, Cấp Tiến, Đông Thọ, Vân Sơn. Những điểm sạt lở nặng nhất là đoạn đê thôn Cây Xi, xã Cấp Tiến dài 950 m; tuyến đê thuộc thôn Mãn Sơn, xã Vân Sơn bờ sông bị sạt lở có chiều dài 1.400 m, chiều cao sạt taluy thẳng đứng từ 2 - 8 m; tuyến đê thôn Thái Thịnh, xã Trường Sinh sạt lở với chiều cao vách taluy sạt từ 8 - 10 m, chiều dài 500 m.
Hiện nay, tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng, nhiều công trình đã được đầu tư, xây dựng từ lâu nên xuống cấp, cộng với điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, gây nhiều tác động tiêu cực. Trong khi nguồn vốn đầu tư còn hạn chế chưa đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu đầu tư cho các công trình, dự án, nhất là các công trình đê điều, phòng chống thiên tai đòi hỏi nhiều vốn. Do đó, UBND huyện đã chủ động thực hiện lồng ghép các nguồn vốn ngân sách địa phương, ngân sách hỗ trợ từ Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên, tu sửa, nâng cấp các công trình đê đã bị xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương, trong năm 2020, UBND huyện đã tập trung xử lý cấp bách các vị trí sạt lở, xung yếu và gia cố, nâng cấp mặt đê, xây dựng kè chống sạt lở chân đê tại 2 vị trí xung yếu xã Trường Sinh, 1 vị trí tại xã Vĩnh Lợi. Năm 2021, từ các nguồn vốn lồng ghép, huyện tiếp tục dự kiến cải tạo, nâng cấp một số đoạn đê xung yếu trên tuyến đê thôn Hưng Thịnh (Trường Sinh) và thôn Xạ Hương (Đông Thọ).
Để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê, kè trong mùa mưa bão năm nay, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương thường xuyên theo dõi, rà soát hiện trạng các công trình đê điều, các trọng điểm, vị trí xung yếu đê trước mùa lũ, bão để xây dựng phương án hộ đê; kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công các công trình đê, cống đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng thời gian quy định; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều. Các địa phương chủ động kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, thực hiện các phương án hộ đê, kết hợp phòng chống thiên tai đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức thực tập, diễn tập các phương án tìm kiếm cứu nạn nhằm ứng phó có hiệu quả khi xảy ra sự cố về đê điều và thiên tai.
Gửi phản hồi
In bài viết