Xác định công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có vai trò quan trọng trong bữa ăn hàng ngày ở trường học cho học sinh, Phòng đã chỉ đạo các trường trang bị đầy đủ cơ sở vật chất đối với khu vực bếp nấu, chế biến thức ăn, dụng cụ phục vụ; xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn thực phẩm cung ứng; tuân thủ đúng quy trình chế biến thức ăn, lưu mẫu thức ăn, thực phẩm hằng ngày; thường xuyên vệ sinh trường, lớp, nhà ăn, sử dụng dụng cụ sinh hoạt đảm bảo vệ sinh...
Bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng của các em học sinh Trường Tiểu học Đăng Châu, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương).
Trường Tiểu học Đăng Châu năm học này trường có 1.161 học sinh ăn bán trú tại trường. Nhà trường đã trang bị hệ thống bếp ăn khang trang theo mô hình một chiều với khu vực tiếp nhận, sơ chế thực phẩm tươi sống, khu vực chế biến, chia khẩu phần ăn được bố trí tách biệt để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trường đã ký hợp đồng với các bậc phụ huynh cung cấp thực phẩm với những địa chỉ tin cậy, đảm bảo thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đồng thời trường cũng lắp 3 mắt camera để theo dõi việc chế biến thức ăn cho học sinh. Hàng ngày, khi thực phẩm được mang vào trường, Ban giám hiệu, nhân viên y tế, hội cha mẹ học sinh sẽ trực tiếp kiểm tra thực phẩm, đảm bảo độ tươi, ngon sau đó mới chế biến thức ăn. Trường thực hiện ăn theo chế độ dinh dưỡng mỗi bữa có 5 món ăn, các món ăn được thay đổi thường xuyên để cho học sinh có khẩu phần ăn ngon.
Còn tại trường Mầm non Hợp Thành, năm học này 100% học sinh ăn bán trú. Cô giáo Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mặc dù cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu thốn, nhưng trường vẫn bố trí được không gian sạch sẽ, đảm bảo cho việc chế biến thực phẩm. Hằng ngày, Ban giám hiệu nhà trường phân công cán bộ, giáo viên giám sát chặt chẽ quy trình nấu cũng như chất lượng bữa ăn cho học sinh. Đồng thời trường cũng ký hợp đồng nhập thực phẩm sạch từ một số cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không mua các thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 42 cơ sở giáo dục tổ chức nấu ăn cho 17.370 học sinh. Hàng năm Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các trường học trên địa bàn, khuyến khích các trường tích cực trồng rau xanh, cây ăn quả quanh trường để tăng khẩu phần ăn và dinh dưỡng cho học sinh; chỉ đạo các nhà trường đưa các nội dung về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe học sinh vào giảng dạy và các buổi sinh hoạt ngoại khóa để nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh.
Việc đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú đã và đang được các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn huyện Sơn Dương quan tâm, chú trọng thực hiện tốt và hiệu quả. Góp phần đảm bảo mục tiêu cho học sinh có sức khỏe tốt, phát triển đồng đều cả về trí lực và thể lực.
Gửi phản hồi
In bài viết