Những cách làm hay hạn chế rác thải nhựa

- Mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng sinh hoạt”, “Đổi rác thải nhựa lấy đồ dùng học tập”, “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”, những cách làm hạn chế rác thải nhựa tại cơ sở kinh doanh... Mỗi người một cách tham gia đã từng bước “lan tỏa” được ý thức, thói quen hạn chế sử dụng rác thải nhựa.

Đổi rác thải nhựa lấy quà nơi vùng cao

Nhìn hình ảnh người dân và trẻ em thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) tay xách những túi chai lọ nhựa đã qua sử dụng đến điểm đổi rác lấy quà, nét mặt ai cũng hào hứng, vui vẻ. Cầm túi quà vừa đổi được trên tay, bà Đặng Thị Tài vui vẻ nói, được Đoàn Thanh niên tuyên truyền, vận động thu gom rác thải sẽ được đổi lấy quà, gia đình bà đã tận dụng, nhặt những chai nhựa ở trên đường và của gia đình để gom đi đổi. Mô hình này thật sự rất có ý nghĩa, vừa giảm thiểu việc vứt rác bừa bãi, vừa có thể đổi được quà thiết thực, sử dụng trong gia đình. 

Cũng như bà Tài, nhiều người dân ở thôn Nghẹt đã mang các vật dụng bằng nhựa như chai nhựa, thau, rổ nhựa, giấy vụn đã qua sử dụng đến điểm đổi rác để lấy quà. Quà tặng được chuẩn bị sẵn gồm nhu yếu phẩm như  bột canh, nước mắm, nước rửa chén hay chậu nhựa, hót rác, giỏ đi chợ bằng nhựa tái sinh, xà phòng giặt...

Huyện đoàn Yên Sơn đổi rác thải nhựa lấy quà tại thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn).

Trong các trường học, phong trào “Đổi chai, lọ lấy đồ dùng học tập”, “Đổi rác thải lấy cây xanh” lan tỏa khắp các trường học vùng cao. Tại Trường THPT Na Hang, hoạt động này diễn ra nhận được sự hưởng ứng của các học sinh. Từ 2 ngày trước em Bàn Đức Minh, lớp 10A cùng các bạn háo hức thu gom chai nhựa trong nhà, nhặt nhạnh tại bờ ruộng, bìa rừng, đường làng. Minh đã nhặt được 1 bao tải vỏ nhựa, chai nilon và đến đổi quà tại chương trình. Cũng như Minh, các bạn cùng lớp cũng háo hức tham gia. Tại gian hàng, các học sinh được đổi rác thải nhựa tích góp lấy vở, đồ dùng học tập như bút mực, bút chì, vở, thước kẻ…

Ý thức từ các cơ sở kinh doanh

Trước vấn nạn rác thải nhựa đang đe dọa toàn cầu, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần. Đây là một hoạt động thiết thực, hiệu quả, vì môi trường xanh, phát triển bền vững.

Từ nhiều năm nay, Khách sạn Mường Thanh Tuyên Quang thực hiện chiến dịch “Mường Thanh nói không với đồ nhựa - Cùng lựa chọn lan tỏa sống xanh”. Anh Phạm Minh Đức, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh (TP Tuyên Quang) cho biết, khách sạn đã thay thế 13 vật dụng phổ biến nhất có chất liệu nilon/nhựa như: Ống hút, hộp đựng đồ take away, cốc nhựa, túi đựng đồ take away, túi đựng dao cạo… sang chất liệu thân thiện với môi trường và sức khỏe như: vải, giấy tự hủy. Đây là những đồ vật nhỏ nhưng lại chiếm số lượng tiêu thụ rất lớn trong khách sạn. Trước diễn biến dịch bệnh Covid-19, ngay sau khi khách sạn hoạt động trở lại, các chiến dịch hạn chế rác thải nhựa được thực hiện để tạo thói quen cho cán bộ nhân viên và du khách.

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố có một số nhà hàng, quán ăn nhỏ, quán cà phê, trà chanh… đã tự thay thế đồ nhựa dùng một lần sang đồ dùng bằng giấy. Điển hình như: Quán cháo dinh dưỡng Dũng Phương, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang). Quán cháo khá đông khách với lượng khách dao động từ 150 lượt người/ngày.

Bắt kịp trào lưu “Nói không với rác thải nhựa”, nhiều điểm du lịch cộng đồng tại Lâm Bình đã tiên phong sử dụng các dụng cụ sinh hoạt có nguồn gốc thiên nhiên để phục vụ du khách. Anh Cao Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Bình cho biết, huyện hiện có trên 30 homestay. Hầu hết các điểm homestay đều có sử dụng đồ dùng thân thiện với môi trường như: cốc làm từ tre, túi đan bằng guột, bằng vải thổ cẩm...

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, mỗi địa phương, trường học, cơ sở kinh doanh đã có những cách làm hiệu quả trong việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Từ đó, đưa phong trào chống rác thải nhựa ngày càng phát triển sâu rộng, nâng cao ý thức của mỗi người dân về việc bảo vệ môi trường sống.                    

Bài, ảnh: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục