Lợi ích “kép”
Nhóm liên kết chăn nuôi gà đồi Thanh Sơn, thôn Thanh Sơn, xã Hợp Hòa có 7 thành viên liên kết chăn nuôi gà thảo dược. Mỗi năm, nhóm cung cấp cho thị trường từ 15 - 17 tấn gà thịt, đem lại thu nhập cho mỗi hội viên trung bình từ 100 - 200 triệu đồng/năm.
Ông Lê Đại Dương, Tổ trưởng Nhóm liên kết chăn nuôi gà đồi Thanh Sơn cho biết, trước đây, gia đình nuôi gà nhưng số lượng ít và theo cách truyền thống nên hiệu quả không cao. Từ khi tham gia mô hình chăn nuôi tuần hoàn, được hỗ trợ giống tốt, xây dựng chuồng trại thoáng mát và được hướng dẫn quy trình chăn nuôi nên gà sinh trưởng nhanh. Hiện tất cả thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, có ghi chép nhật ký sản xuất như tuân thủ tiêm phòng vắc-xin đúng thời điểm, giảm thiểu kháng sinh hoặc không sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng chế phẩm được chiết xuất từ thảo dược. Sàn của chuồng gà được sử dụng trấu, mùn cưa trộn men vi sinh. Phân gà sẽ được các loại vi khuẩn khử mùi hôi hoàn toàn. Mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn sẽ tận dụng chất thải phân gà, ủ phân để bón cho nhiều cây trồng như mít, ổi, na và một số cây thảo dược như: cỏ lào, khôi tía, khôi trắng, tía tô, khổ sâm, xuyến chi, xả, đinh lăng… Các loại cây này sẽ được sử dụng làm thức ăn cho gà theo hướng tuần hoàn. “Do mô hình khép kín, việc vệ sinh chuồng trại tốt, nguồn thức ăn đầu vào đảm bảo nên rất ít xuất hiện dịch bệnh trên gà. Hiện nay, lượng phân bón từ trại gà cung cấp cho vườn cây còn dư còn có thể cung cấp cho các hộ dân trong vùng, tạo thêm thu nhập” - ông Dương chia sẻ.
Ông Hoàng Anh Tuấn, thôn Vạt Chanh, xã Thiện Kế tận dụng thân cây lạc sau thu hoạch làm phân bón cho vườn thanh long.
Năm 2022, ông Hoàng Anh Tuấn, thôn Vạt Chanh, xã Thiện Kế cải tạo lại 1 ha đất để trồng thanh long. Không chỉ đầu tư trồng thanh long, ông Tuấn còn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gà, phát triển kinh tế theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ông tận dụng khoảng đất trống trong vườn trồng lạc, ngô để có thêm thu nhập. Khi thu hoạch gốc, thân cây lạc, ngô sẽ được tận dụng làm nguồn phân hữu cơ cho thanh long.
Ông Tuấn tính toán, việc tự ủ phân hữu cơ để bón cho diện tích cây thanh long không chỉ giúp đất tơi xốp, màu mỡ, giảm ô nhiễm môi trường mà còn giảm 50 - 60% chi phí mua phân bón hóa học. Nhờ đầu tư song song chăn nuôi và trồng trọt, ông yên tâm là vẫn có lợi nhuận ngay cả thời điểm giá nhiều loại trái cây giảm sâu. Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay thì nông nghiệp tuần hoàn là một cứu cánh nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững
Sơn Dương là một huyện thuần nông, diện tích đất nông nghiệp hơn 69.200 ha, chiếm gần 87% diện tích tự nhiên với các cây trồng chủ lực như lúa, ngô, chè, mía, cây ăn quả. Tổng đàn vật nuôi hiện là hơn 18 nghìn con trâu, gần 13 nghìn con bò, 177 nghìn con lợn, 1,7 triệu con gia cầm.
Hội Nông dân xã Đại Phú (Sơn Dương) hướng dẫn bà con ủ chất thải chăn nuôi và chất thải sinh hoạt bằng chế phẩm EMC thành phân bón hữu cơ.
Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, huyện Sơn Dương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng khép kín, tái tạo, tận dụng triệt để các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp nhằm tiết kiệm tài nguyên, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo Kế hoạch số 415/KH-UBND huyện Sơn Dương ngày 23/9/2021 triển khai thực hiện Đề án, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trên các cây trồng chính (lúa, ngô, lạc, mía, chè, rau) trên 55%; hầu hết các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp được tái sử dụng một cách hiệu quả.
Đến nay phần lớn hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện bước đầu đã sản xuất theo hướng tăng cường hữu cơ hóa vườn cây, giảm sử dụng các chế phẩm hóa học có hại cho môi trường. Việc sử dụng phụ phẩm trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn huyện hiện đạt trên 60%. 100% phụ phẩm trong sản xuất mía được tái sử dụng làm phân bón hữu cơ. Các hộ dân cơ bản đều biết cách ủ phân chuồng với chế phẩm sinh học và sử dụng cho cây trồng.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, tái tạo, trồng xen, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bước đầu phát triển đã đem lại hiệu quả về kinh tế, tiết kiệm tài nguyên và phát triển bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên sự hợp tác liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, vì vậy tính bền vững chưa cao.
Ông Hoàng Văn Niên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, ban hành các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; khuyến khích việc hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm khắc phục việc thiếu vốn sản xuất cũng như tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chứng nhận, thiết lập mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù nhằm khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải, phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Gửi phản hồi
In bài viết