Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi) trong phiên họp chiều 2/11. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi) trong phiên họp chiều 2/11, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giá nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá.
Việc sửa đổi Luật Giá (sửa đổi) cần thể chế hóa đầy đủ, chuẩn xác chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường, bảo đảm nguyên tắc kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tôn trọng quy luật thị trường, tôn trọng quyền tự định đoạt về giá.
Đồng thời, xác định rõ ranh giới, mức độ, phạm vi, biện pháp điều tiết của Nhà nước đối với thị trường; tiếp tục đổi mới để làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nhất là đối tượng yếu thế nhưng không bao cấp.
Về tính thống nhất của dự thảo Luật, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, đây là đạo luật gốc về quản lý giá, có chức năng quy định những nguyên tắc căn bản trong quản lý nhà nước về giá; quy định các biện pháp, mức độ kiểm soát, điều tiết từ phía Nhà nước và liên quan đến nhiều luật khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Do đó, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính thống nhất trong quản lý, dự thảo Luật cần xác định rõ nguyên tắc: Các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại Luật này.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát để bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo với các luật liên quan, cũng như bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định trong chính Luật Giá.
Đánh giá kỹ, toàn diện cả lý luận và thực tiễn việc quy định Quỹ bình ổn giá
Về nguyên tắc bình ổn giá, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc Nhà nước có biện pháp bình ổn giá khi thị trường có biến động bất thường đối với một số mặt hàng thiết yếu là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm tránh các tác động tiêu cực đến đời sống người dân và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, đề nghị việc áp dụng bình ổn giá phải bảo đảm: bình ổn trên cơ sở điều tiết thông qua các biện pháp kinh tế như điều hòa cung-cầu; đối với một số mặt hàng cần có khung giá phù hợp; kiểm soát tốt biến động giá, từ đó kiềm chế lạm phát hoặc giảm phát; hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, trái quy luật thị trường; hạn chế áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá thông qua trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để bù giá, bù lỗ.
Liên quan đến Quỹ bình ổn giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ, việc quy định về Quỹ bình ổn giá cần đánh giá kỹ, toàn diện cả lý luận và thực tiễn, làm rõ ưu điểm, nhược điểm, nêu rõ quá trình soạn thảo, sửa đổi để có căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó, chỉ thành lập Quỹ trong trường hợp bất khả kháng và cần quy định rõ trường hợp thành lập, điều kiện thành lập Quỹ; cũng như mục tiêu và thời gian thành lập Quỹ…
Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc cần thiết phải duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu vì cho rằng: Quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.
Quang cảnh phiên họp chiều 2/11. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước; quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (10 ngày); lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng thì việc bỏ Quỹ hiện tại là chưa phù hợp.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị cần phải đổi mới theo hướng: việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, tiến tới phải vận hành theo thị trường; việc điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu đòi hỏi linh hoạt, hiệu quả, kịp thời hơn nữa. Trong tổ chức thực hiện cần tăng cường trách nhiệm quản lý; đề cao tính công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế.
Đề xuất Nhà nước quy định giá bán tối đa đối với sách giáo khoa
Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, so với quy định của Luật hiện hành, Dự thảo Luật bổ sung nhiều hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Ban soạn thảo rà soát, để một mặt bảo đảm vai trò quản lý nhà nước song phải tôn trọng yếu tố thị trường. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung các tiêu chí để bảo đảm tính cụ thể, tránh áp dụng tùy tiện, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Đối với giá sách giáo khoa, đây là mặt hàng thiết yếu và giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần thiết phải kiểm soát, khống chế mặt bằng giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người dân.
Để tạo công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí như dự thảo Luật, theo đó Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm quyền lợi của người dân; đồng thời cần kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.
Gửi phản hồi
In bài viết