Tân Mỹ là một trong những xã đặc biệt khó khăn, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 27% trong tổng số hộ toàn xã. Một trong những nguyên nhân chủ yếu do một số thôn đặc biệt khó không có đường giao thông để vận chuyển hàng hóa. Điển hình nhất là thôn Khuôn Thẳm có 100% dân tộc Mông sinh sống. Anh Lý Tờ Lùng, một người dân trong thôn chia sẻ: “Do đường giao thông không thuận lợi, vận chuyển cái gì cũng khó, con gà, quả ngô làm ra bán rẻ như cho, rừng trồng bán cũng rẻ vì phí vận chuyển cao”. Cuối năm 2020, con đường bê tông dài 1,6 km, rộng 3 m được mở vào Khuôn Thẳm. Tuyến đường hoàn thành như dải lụa xuyên qua rừng núi không những giúp bà con đi lại thuận tiện mà việc vận chuyển gỗ rừng trồng, nông sản trở lên dễ dàng hơn.
Người dân thôn Rõm, xã Hùng Mỹ được hỗ trợ vốn nuôi trâu bò sinh sản.
5 năm về trước, nhắc đến thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ, người ta hình dung ngay đến cái nghèo, cái khổ, bởi đây là một thôn biệt lập trên núi, không đường, không điện. Tuy nhiên, hiện nay Cao Bình như một bức tranh tươi mới. Con đường quanh co hơn 3 km dẫn vào thôn đã được bê tông hóa, nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng khang trang đầy đủ trang thiết bị. Bí thư Chi bộ thôn Lý Tiến Thắng vui mừng chia sẻ, có điện, có đường, có trường học cho các cháu học sinh nên bà con vui lắm. Bây giờ bà con xem ti vi nắm được chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, học thêm được nhiều mô hình, cách làm hay phát triển kinh tế.
Thôn Cao Bình có 76 hộ dân, hơn 300 nhân khẩu. Thôn có 24 ha đất nông nghiệp. Bà con đã tích cực đưa cây lúa lai vào gieo cấy mùa vụ, vụ xuân khan hiếm nước bà con trồng lạc, trồng cây dược liệu cà gai leo hiệu quả kinh tế cao. Ngoài chuyển đổi cây trồng, chăn nuôi đại gia súc cũng được người dân chú trọng. Chị Hoàng Thị Đợi, một trong những hộ dân đã làm giàu nhờ tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Gia đình chị Đợi được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 chăn nuôi trâu sinh sản, chăn nuôi dê. Chị Đợi cho biết, từ nguồn vốn vay giúp gia đình chị vượt lên thoát nghèo.
Gia đình ông Tái Văn Cát, thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú được hỗ trợ vốn phát triển cây chè sạch Pà Thẻn. Ông Cát cho biết, cây chè tồn tại ở thôn Khuổi Hóp từ lâu đời nay, tuy nhiên, chúng chỉ mọc hoang hóa, không có giá trị hàng hóa. Năm 2016, xã Linh Phú triển khai phát triển cây chè sạch Pà Thẻn, ông và một số hộ dân trong thôn đã được hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc chè. Với 1 ha chè, bình quân mỗi năm gia đình ông thu trên 150 triệu đồng. Ngoài trồng chè, gia đình ông trồng hơn 10 ha keo, mỡ; chăn nuôi dê, trâu sinh sản, cấy lúa kết hợp nuôi cá chép ruộng... Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ông đã khá hơn.
Từ nguồn vốn Chương trình 135, các thôn đặc biệt khó khăn ở Chiêm Hóa đã vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống. Diện mạo nông thôn vùng cao có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo huyện Chiêm Hóa giảm còn 12,29%, giảm 3,74% so với năm 2019.
Gửi phản hồi
In bài viết