Khả năng ấy nhiều khi chỉ diễn ra đơn giản, tưởng như không gây hậu quả. Ví như họ thường tỏ ra có sở thích giống lãnh đạo, hát những bài về quê hương “sếp”, tập những môn thể thao mà “sếp mê”, dùng những đồ vật có màu sắc, kích thước “hợp sếp”, bàn thảo những điều “sếp” thích nghe...
Nhưng có khi họ dành nhiều thời gian, thậm chí lao tâm khổ tứ để tìm hiểu sở thích, tâm lý, tính cách của lãnh đạo để mưu lợi cá nhân, để đi lên nhờ “biết nịnh”. Với lãnh đạo này, họ nhất nhất tuân lệnh, nhất nhất có sở thích giống sếp; nhưng với nhiệm kỳ lãnh đạo mới, họ lập tức thay đổi sở thích; có mới nới cũ, nhằm “thích nghi” với nhiệm kỳ của sếp mới. Họ sẵn sàng quay lưng với những gì gắn với nhiệm kỳ lãnh đạo cũ; thậm chí phủ nhận những việc chính mình đã từng ca ngợi.
Suy cho cùng, đó cũng là một dạng tư duy nhiệm kỳ, sẵn sàng đổi màu, mưu cầu cá nhân. Nhẹ thì cho thấy hình ảnh “tắc kè hoa”, nếu nguy hại hơn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện cho những điều xấu, sai trái xuất hiện.
Trước nay, ta quen nghĩ tư duy nhiệm kỳ chỉ xảy ra ở những người lãnh đạo nhằm trục lợi cho cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích. Nay nhận diện “tắc kè hoa”, ta cũng thấy đó là một dạng của tư duy nhiệm kỳ, cũng nhằm trục lợi cá nhân. Cả hai đều cản trở sự phát triển, triệt tiêu sự dân chủ.
Chính vì vậy, mỗi tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cơ quan, đơn vị cần nhận diện những “tắc kè hoa” để phát huy dân chủ, đánh giá và sử dụng đúng cán bộ; kịp thời dẹp bỏ cái xấu, cái tiêu cực từ khi còn là mầm mống, góp phần vào sự phát triển chung.
Gửi phản hồi
In bài viết