Kết quả này cho phép hình dung tương đối rõ ràng về cấu trúc và mặt bằng nền móng của Điện Kính Thiên, từ đó xây dựng kế hoạch mang tính tầm nhìn cho việc phục dựng cung điện quan trọng bậc nhất tại cấm thành Thăng Long xưa.
Các nhà khảo cổ, nhà khoa học tham quan hố khai quật mới tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Thanh
Phát hiện đột phá
Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và Hội Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật nghiên cứu khảo cổ học khu vực trung tâm (khu vực Chính điện Kính Thiên) với tổng diện tích khoảng hơn 10.000m2. Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của khu di sản với nhiều tư liệu mới, mang tính xác thực cao, góp phần nghiên cứu và khôi phục Chính điện Kính Thiên.
PGS.TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam thông tin, quá trình khai quật hơn 10 năm qua đã giúp xác định được hệ thống di tích, di vật phong phú và bước đầu làm rõ một phần kết cấu kiến trúc khu vực Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ (thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI) và thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII) gồm có Chính điện Kính Thiên, Ngự đạo, sân Đại Triều, cổng, tường vây và hành lang bao quanh.
Đặc biệt, trong đợt khai quật năm 2023 tại 3 vị trí: Cục Tác chiến, nền Điện Kính Thiên và Hậu Lâu, các nhà khoa học đã thu được những kết quả rất khả quan trong việc xác định dấu tích của Điện Kính Thiên. Hố khai quật Cục Tác chiến đã xuất lộ một số mảng sân Đan Trì, dấu tích Ngự đạo nối tiếp kết quả khai quật năm 2022. Ở vị trí trên nền Điện Kính Thiên, từ các hố thăm dò, các nhà khoa học tìm thấy thông tin quan trọng về cấu trúc và mặt bằng nền móng của Chính điện Kính Thiên thời Lê và thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII -XVIII).
Vị trí phía nam Hậu Lâu, cuộc khảo cổ đã xuất lộ 2 lớp kiến trúc thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII) và Lê sơ (thế kỷ XV-XVI). Các dấu tích này có mối quan hệ với các dấu tích đã khai quật được từ năm 2021.
Cũng theo PGS.TS Tống Trung Tín, lần khai quật này đã phát hiện ra những trụ cột lớn nhất từ trước đến nay, nền móng dày của nền Điện Kính Thiên thời Lê. Điều này cho phép các nhà khoa học hình dung được cơ bản diện tích, phân gian, phân cột của điện thị triều. Đây là những phát hiện mang tính đột phá của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, những phát hiện mới về Hoàng thành Thăng Long cho phép các nhà khoa học mường tượng được Điện Kính Thiên có quy mô ra sao, từ đó xây dựng các phương án phục dựng bài bản, chuẩn xác.
Bàn phương án phục dựng
Hội thảo khoa học có sự tham gia của gần 100 đại biểu, với nhiều quan điểm, ý kiến về kết quả khảo cổ, qua đó mang đến những phác thảo rõ ràng hơn về hình hài của Điện Kính Thiên. Trên cơ sở này, phương án phục dựng Điện Kính Thiên cũng được các nhà khoa học tập trung phân tích, làm rõ.
Hố khai quật phía Nam Hậu Lâu xuất lộ 2 lớp kiến trúc thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII) và Lê sơ (thế kỷ XV - XVI).
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, kết quả khảo cổ mới cho phép hình dung vỏ kiến trúc của cung điển, còn phần “nội thất” vẫn cần được làm rõ. “Phục dựng Điện Kính Thiên không chỉ là hoàn thiện phần bên ngoài mà còn cần tính toán cả công năng của công trình, việc sử dụng công trình trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như: Những nét sinh hoạt hoàng cung, các điệu múa dân gian…”, PGS.TS Đặng Văn Bài nêu ý kiến.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho rằng, các kết quả khảo cổ học lần này là bước tiến lớn và quan trọng để các nhà quản lý, người dân hiểu rõ hơn về khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên, việc phục dựng Điện Kính Thiên cần được thực hiện thận trọng, không nên vội vàng.
“Hoàng thành Thăng Long có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cách mạng rất lớn. Cái khó là di sản có nhiều tầng văn hóa, kiến trúc, lịch sử của nhiều thời kỳ chồng lớp lên nhau. Việc giữ lại hay hy sinh giá trị nào cũng cần được bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng. Phục dựng Điện Kính Thiên là công việc của không chỉ các nhà khảo cổ mà cả các nhà văn hóa phải bàn bạc, nghiên cứu”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nêu.
Tại hội thảo, đa số ý kiến của các nhà khoa học cho rằng, việc sớm phục dựng Điện Kính Thiên là rất cần thiết và cần phải được tính toán kỹ trên cơ sở khoa học và việc khảo cổ cần phải được tiếp tục mở rộng có trọng tâm. Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, tới đây, Trung tâm sẽ tổ chức trưng bày bằng hình ảnh, hiện vật những kết quả quan trọng của đợt khai quật vừa qua để người dân và du khách hiểu rõ hơn những giá trị to lớn của khu di sản; phối hợp với Viện Khảo cổ học xây dựng “Chiến lược khảo cổ học tại khu vực trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long” trong đó trọng tâm là Chính điện Kính Thiên và không gian Chính điện Kính Thiên để có thêm căn cứ xác thực cho việc diễn giải di sản và hướng tới phục dựng Chính điện Kính Thiên.
Gửi phản hồi
In bài viết