Tân Trào, nơi ghi dấu chân Người

- Xã Tân Trào (Sơn Dương) là nơi cách đây 78 năm, Bác Hồ đã ở và làm việc khi từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tuyên Quang lãnh đạo Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, dân tộc. Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ về Bác, mỗi người dân Việt Nam lại tìm về Tân Trào.

Du khách thăm lán Nà Nưa - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945, để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Trong tháng 5 này, chúng tôi lại về Tân Trào. Những đoàn khách tham quan ra vào tấp nập là ấn tượng đầu tiên khi đến đây. Anh Nguyễn Văn Nhất, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương xúc động chia sẻ: “Về với Tân Trào dịp này, tôi thật sự xúc động khi thăm lại những di tích lịch sử lán Nà Nưa, Đình Hồng Thái, Đình Tân Trào, Cây đa Tân Trào..., nơi ghi đậm dấu tích vị cha già dân tộc - Bác Hồ kính yêu đã từng nhiều năm sống, làm việc và lãnh đạo cách mạng”.

Chị Hoàng Thanh Hương, du khách đến từ Quảng Trị chia sẻ: Đây là lần thứ hai chị được về thăm lán Nà Nưa, nhưng chị vẫn thấy xúc động như lần đầu tiên đến đây. Dừng chân ở mỗi địa danh lịch sử, mỗi người đều cảm nhận còn đâu đây bóng hình của Bác. Tân Trào bây giờ như vừa lạ vừa quen, lạ vì Tân Trào bây giờ đã đổi thay, đời sống của nhân dân đã được cải thiện, nhà cửa khang trang sạch đẹp, giao thông đi lại thuận tiện.

Ngược dòng lịch sử cách đây 78 năm, tháng 5-1945, sau một thời gian hoạt động tại nơi núi rừng Pác Bó (Cao Bằng), Bác Hồ vượt 400 km đường rừng núi đến Tân Trào, Tuyên Quang, nơi được Đảng, Bác Hồ đánh giá hội tụ đủ các yếu tố để làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Đến Tân Trào, Bác đã ở và làm việc tại làng Kim Long (nay là thôn Tân Lập, xã Tân Trào) từ ngày 21-5. Tại đây, những nhận định đúng đắn, những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng của Bác thời điểm này mang ý nghĩa chiến lược lớn lao để tạo nên bước ngoặt cho lịch sử cách mạng Việt Nam trong giai đoạn khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.

Ông Trương Văn Trình, thôn Tân Lập, xã Tân Trào chia sẻ: Những ngày Bác Hồ sống và làm việc tại Tân Trào ông chưa ra đời. Sau này ông được nghe ông bà và bố mẹ kể lại rằng, trong thời gian Bác Hồ ở Tân Trào, mặc dù công việc vô cùng bận rộn nhưng Người vẫn dành thời gian thăm hỏi, động viên, nói chuyện với nhân dân địa phương.

Bác luôn động viên người dân phải chăm chỉ tăng gia sản xuất, cố gắng học tập để có thể tham gia vào công tác đoàn thể, tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc... Ghi nhớ những lời dạy của Bác, người dân luôn cố gắng học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, chăn nuôi, từ đó phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương.

Người dân xã Tân Trào trồng ngô sinh khối nâng cao năng suất cây trồng.    

Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng, trong công cuộc đổi mới, nhân dân xã Tân Trào luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp. Tân Trào hôm nay mang diện mạo hoàn toàn khác, hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng đồng bộ, những con đường nhựa, bê tông trải rộng, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát cùng các công trình phúc lợi xây dựng khang trang.

Năm 2022, thu nhập bình quân của xã đạt 51 triệu đồng/người/năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4,8 tỷ đồng, duy trì chuẩn Quốc gia về y tế, tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt 90%, 8/8 thôn đạt chuẩn văn hóa; xã giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không có điểm nóng về an ninh trật tự; phong trào thể dục, thể thao, dân vũ phát triển sôi nổi, mạnh mẽ.

Đồng chí Hà Hữu Tiệp, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào cho biết, nhân dân các dân tộc xã Tân Trào rất vinh dự và tự hào là địa phương ghi dấu chân Bác Hồ lãnh đạo Tổng Khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp. Niềm tự hào đó thôi thúc cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc xã Tân Trào ra sức phấn đấu lao động, sản xuất, học tập để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Từ một địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, Tân Trào đã nỗ lực trở thành xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Người dân ở Tân Trào đã năng động, nỗ lực vươn lên mỗi ngày để xây dựng cuộc sống no ấm.

78 năm đã trôi qua, nhưng với người dân xã Tân Trào nói riêng và huyện Sơn Dương nói chung, những hình ảnh và lời căn dặn của Bác vẫn luôn trong trái tim của các thế hệ.

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục