Tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh lâu dài

Việt Nam hiện nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Tình trạng này bắt đầu từ năm 2011, sớm hơn sáu năm so với dự báo là năm 2017. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2036 nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 14,17% tổng dân số, khi đó Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già... Đây là một thách thức rất lớn đối với công tác bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm an sinh lâu dài.

Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công thành phố Hà Nội.
(Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)

Tỷ lệ và số lượng người cao tuổi Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng trong những năm tới. Nếu như các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ mới chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già (như Pháp: 115 năm, Thụy Điển: 85 năm, Mỹ: 70 năm…) thì Việt Nam được dự báo giai đoạn dân số già sẽ đến trong vòng 16-18 năm nữa. Dự báo đến năm 2050, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 25% dân số.

Nỗi lo già hóa dân số

Một báo cáo nghiên cứu theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, xuất bản năm 2021, cho biết cả nước có 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số; trong đó có 1.918.987 người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17% tổng số người cao tuổi); có 7.294.100 người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn (chiếm 41,9%); tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao hơn bình quân chung của cả nước; người cao tuổi là dân tộc thiểu số chiếm gần 10%...

Báo cáo của Hội Người cao tuổi Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có khoảng 12 triệu người cao tuổi, nhưng chỉ có hơn 3,3 triệu người cao tuổi đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, hơn 900 nghìn người cao tuổi đang hưởng chế độ người cao tuổi, gần 1,9 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, trong đó có hơn 10 nghìn người cao tuổi được chăm sóc ở cơ sở trợ giúp xã hội… Có thể thấy, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống người cao tuổi từng bước được cải thiện.

Song đa số người cao tuổi tại Việt Nam hiện nay không có tích lũy, thu nhập thấp, một bộ phận cuộc sống phải dựa vào con cháu; nhiều trường hợp sống độc thân, cô đơn không nơi nương tựa. Trong số người cao tuổi tại Việt Nam, 73% không có lương hưu hay trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải sống phụ thuộc vào con cái. Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người cao tuổi sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hằng ngày. Vì vậy, đời sống của người cao tuổi, nhất là ở vùng nông thôn còn rất khó khăn, vất vả...

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, sau năm 2036, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng và bước vào quá trình già hóa. Lúc đó, các chính sách an sinh sẽ tập trung vào chăm lo cho người già nhiều hơn là lao động đang làm việc.

Tại Việt Nam, cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội gồm năm trụ cột là: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cứu trợ xã hội, trợ giúp và ưu đãi xã hội. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội chưa được như kỳ vọng, do đó tương lai dễ nhìn thấy là số lượng lớn người già sẽ không có lương hưu để bảo đảm cuộc sống cũng như bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe.

Nhận xét về thực tế trên, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Trương Xuân Cừ cũng cho rằng, tham gia bảo hiểm xã hội từ khi còn độ tuổi lao động là giải pháp tốt nhất để mỗi người đều có lương hưu để bảo đảm đời sống khi về già cùng nhiều chế độ an sinh khác…

Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc

“Mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tại Việt Nam cần tập trung vào các chính sách về bảo hiểm xã hội bắt buộc”- đây là khuyến nghị của đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tại Hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về thực hiện chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 được tổ chức mới đây.

Giám đốc quốc gia ILO tại Việt Nam, bà Ingrid Christensen cho rằng, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 60% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội ở cả hình thức bắt buộc và tự nguyện. Nhưng, để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam có hiệu quả, cần phải tập trung thúc đẩy tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Hiện nay, ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Song, kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra sự thiếu hiệu quả của các chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện trong việc mở rộng nhanh diện bao phủ. Do đó, các chính sách nên tập trung tạo điều kiện và hỗ trợ để những nhóm thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chẳng hạn như lao động phi chính thức, được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bà Ingrid Christensen cũng đưa ra thí dụ, với chính sách bảo hiểm y tế, khi Việt Nam tập trung vào chính sách bắt buộc áp dụng toàn dân, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng lên nhanh chóng.

Một nghiên cứu của ILO tại Việt Nam cũng cho thấy, 60% lao động nữ trong độ tuổi 25-26 có tham gia bảo hiểm xã hội; tuy nhiên sau một thời gian họ lại rời khỏi hệ thống. Hiện nay, nhiều lao động chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần, cũng là thách thức lớn cho chính sách.

Vì vậy, theo ILO, Việt Nam cần thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội (bắt buộc và tự nguyện) đồng bộ và linh hoạt hơn, bảo hiểm xã hội bắt buộc cần có những thay đổi để tăng tính hấp dẫn như: Có thể giảm năm đóng góp tối thiểu để được hưởng lương hưu; thêm chế độ cho gia đình, trẻ em và tăng cường các mức hưởng; Chính phủ cần có thêm một mức trợ cấp nhất định cho người tham gia; cần cải thiện chế độ hưởng để người lao động thấy rằng tham gia bảo hiểm xã hội là xứng đáng...

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục