Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu năm 2022

- Theo nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, từ ngày 1-1-2022, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện và mức Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện tối thiểu trong năm 2022 cũng tăng theo. Điều này khiến nhiều lao động tự do, người đang tham gia BHXH tự nguyện không khỏi băn khoăn…

Chị Phan Thùy Dương, 30 tuổi tại tổ 2, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) tâm sự, chị mới tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 10-2021. Do hiện tại chị chưa có công việc và thu nhập ổn định nên việc tăng mức đóng lên gần gấp đôi khiến chị đắn đo về việc duy trì tham gia.

Không giống như chị Dương, anh Nguyễn Văn Sơn, tổ 17, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) đang dự định tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2022 tuy nhiên anh chưa hiểu về chính sách mới, chỉ “nghe tin” rằng mức đóng sẽ tăng gần gấp đôi trong năm 2022 mà chưa biết rằng những lợi ích mình sẽ được đi kèm khi tham gia BHXH tự nguyện trong năm mới này.

Giải đáp vấn đề này, BHXH tỉnh cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn. Tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng, nên mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu cũng phải tăng theo. Theo đó, mức thấp nhất sẽ tăng lên 330.000 đồng/tháng (22% x 1,5 triệu đồng), tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện năm 2021. Mức đóng BHXH tự nguyện tối đa sẽ là 29,8 triệu đồng/tháng.

Nhân viên đại lý thu tư vấn chính sách BHXH tự nguyện cho người dân.

Theo thông tin từ Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh, cùng với việc tăng mức đóng, Chính phủ cũng tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 lên tương ứng, vì thế người dân đóng BHXH tự nguyện không thay đổi so với trước. Cụ thể, người tham gia sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng hàng tháng: bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo, 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác. Những người tham gia đang tham gia đóng BHXH tự nguyện tương đương mức lương  từ 1,5 triệu đồng trở lên thì mức đóng thực tế năm 2022 sẽ giảm nhẹ. Ví dụ, người tham gia là hộ nghèo đang tham gia đóng ở mức lương 1,5 triệu đồng, sau khi được Nhà nước hỗ trợ, mức đóng thực tế từ 283.800 đồng năm 2021 sẽ giảm còn phải đóng 231.000 đồng trong năm 2022. Đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm về sau thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch so với tiền đã đóng khi Chính phủ áp dụng mức chuẩn hộ nghèo nông thôn mới.

Anh Bàn Văn Nghiệp, thôn Đồng Vàng, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết, trước đây mỗi tháng anh dành ra hơn 300.000 đồng để đóng BHXH tự nguyện với mong muốn gìn giữ một khoản tiết kiệm khi về già. Đến nay mặc dù biết mức đóng có sự điều chỉnh nhưng anh vẫn duy trì tham gia. Với nhiều lợi ích như được cấp thẻ BHYT miễn phí trong thời gian hưởng lương hưu, có một khoản tiền nhất định hàng tháng khi về già… anh tin rằng đây là lựa chọn sáng suốt của mỗi người lao động tự do như anh.

Chính sách BHXH tự nguyện đã mở ra cho người lao động tự do có nhiều cơ hội tham gia và hưởng thụ chính sách an sinh một cách thuận lợi nhất. Nhờ ý nghĩa nhân văn sâu sắc và sự truyền thông tích cực của ngành BHXH, chính sách BHXH tự nguyện đang ngày càng lan tỏa, trở nên gần gũi, thiết thực và gắn bó với người dân. 

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục