Sẵn sàng các phương án bù đắp sản phẩm thiếu hụt
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Với các ngành, các địa phương, đây là một năm bản lề đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 “lấn làn” tới hầu hết các địa bàn, trong đó có những huyện vùng sâu, vùng xa nhất - vốn được coi là cứ địa an toàn của cả tỉnh như Na Hang, Lâm Bình. Xác định rõ chung sống linh hoạt, an toàn, Tuyên Quang đã chủ động các giải pháp để vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Hướng tới thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, ngành Công thương đã có nhiều giải pháp linh hoạt, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của tỉnh đã nhanh chóng tổ chức sản xuất với những quy định chặt chẽ, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, lấy lại đà tăng trưởng, cũng như đón đầu cơ hội mới trong những tháng cuối của năm 2021. Qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hết tháng 11, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt trên 14.518 tỷ đồng. Đồng chí Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện nay còn một số sản phẩm công nghiệp chưa đạt giá trị như giày da, gỗ tinh chế, giấy in viết, phô tô thành phẩm, điện sản xuất, ngành đã tính toán để tăng giá trị các sản phẩm đang có lợi thế về thị trường như hàng may mặc xuất khẩu, thép... Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Gang thép Tuyên Quang cho biết, 11 tháng đơn vị đã xuất khẩu hơn 284 nghìn tấn thép, tăng 110% so với cùng kỳ năm 2020.
11 tháng Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang đã xuất khẩu hơn 284 nghìn tấn thép, tăng 110% so với cùng kỳ năm 2020.
Để hoàn thành mục tiêu năm 2021, tháng 12-2021, ngành Công thương phải hoàn thành thêm 8%, tương đương 1.259 tỷ đồng. Giải pháp của ngành là thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ sản xuất của các sản phẩm công nghiệp và tiến độ triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, tạo điều kiện để các dự án công nghiệp sớm hoàn thành đầu tư đưa vào sản xuất.
Ngành Thuế cũng đang dồn sức, hoàn thành đạt và vượt mục tiêu thu ngân sách nhà nước. Đồng chí Hoàng Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, đến hết tháng 11, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 2.169 tỷ đồng trong mục tiêu 2.390 tỷ đồng của cả năm. Xác định năm 2021 là năm bản lề, kết quả của năm sẽ tạo động lực để những năm tiếp theo đạt và vượt kế hoạch, ngành Thuế tập trung khai thác tốt một số sắc thuế có số thu lớn, như thuế bảo vệ môi trường, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước; thuế thu nhập cá nhân; lệ phí trước bạ...
Đồng chí Tạ Văn Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực thành phố Tuyên Quang - Yên Sơn cho biết, cũng như các đơn vị thuế khác trên địa bàn, năm nay, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước của Chi cục Thuế khu vực thành phố Tuyên Quang - Yên Sơn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh và điều kiện sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Đến hết tháng 11, khu vực thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành thu gần 506 tỷ đồng trong tổng 664 tỷ đồng dự toán giao; thuế khu vực Yên Sơn hoàn thành thu 70,5 tỷ đồng trong tổng số 104 tỷ đồng dự toán giao. Ông Tuấn cho biết, xác định số thu của tháng cuối cùng của năm là tương đối lớn, Chi cục Thuế khu vực thành phố Tuyên Quang - Yên Sơn sẽ tập trung thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất, dự kiến Yên Sơn sẽ đấu giá đất tại khu vực xã Trung Môn, dự kiến thu nộp ngân sách 22 tỷ đồng, thành phố Tuyên Quang sẽ đấu giá đất tại một số khu dân cư tập trung, dự kiến thu nộp ngân sách 75 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị đang tập trung rà soát các khoản thu phát sinh trên địa bàn, tổ chức thu triệt để các khoản phát sinh, thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, rà soát các trường hợp nợ thuế...
|
Năm 2021, một năm sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngành Nông nghiệp đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện hiệu quả vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân; tích cực các giải pháp hưởng ứng, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Nhờ thế, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, sản lượng lương thực, sản lượng thịt hơi, thủy sản… đều đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Khởi động ngay từ đầu năm
Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2021, có 17/20 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành và vượt kế hoạch. Trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng như thu nhập bình quân đầu người, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản, trồng rừng, thu ngân sách, hoàn thành 223 km đường giao thông nông thôn…
Phát biểu tại lễ công bố Tuyên Quang được công nhận là đô thị loại II tháng 2 - 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi ấy là Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương Tuyên Quang vào việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. “Chủ động làm việc ngay từ những ngày đầu sau Tết là việc đáng được biểu dương, để có sự khởi động ngay từ ngày đầu, tháng đầu, chứ không phải “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.
Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang sản xuất vượt kế hoạch năm 2021.
Không khí làm việc ấy đã lan tỏa đến tất cả các ngành, các địa phương. Và kết quả đạt được, là những con số thực sự ấn tượng. Sơn Dương, địa phương cửa ngõ của tỉnh những ngày cuối năm vừa tất bật với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa nỗ lực giữ vững vùng xanh. Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương Giang Tuấn Anh cho biết, với suy nghĩ những kết quả đạt được của năm 2021 sẽ là điểm tựa để huyện hoàn thành mục tiêu của cả nhiệm kỳ, Sơn Dương đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để bứt phá trong những lĩnh vực mà địa phương có lợi thế, trong đó có công nghiệp. Chủ động thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, trong năm 2021, Sơn Dương đã thành lập mới Cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế với quy mô 75 ha, tổng vốn đầu tư 657 tỷ đồng. Đồng thời, lập hồ sơ thành lập Cụm công nghiệp Phúc Ứng 2 với tổng mức đầu tư trên 12,5 tỷ đồng. Không chỉ phát triển công nghiệp, nhiệm vụ thu ngân sách của Sơn Dương cũng đã hoàn thành kế hoạch tỉnh giao từ quý III - 2021, đạt trên 203,7 tỷ đồng, bằng 100,3% dự toán. Trong đó, thu tiền sử sụng đất đạt gần 120 tỷ đồng, đạt 119,8% dự toán giao; thu cân đối ngân sách đạt trên 65 tỷ đồng.
Trong năm 2021, một loạt dự án giao thông quan trọng đã được khởi công. Như Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; hoàn thành dự án 02 tuyến đường dọc hai bên bờ sông Lô; Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào; các công trình thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang, các công trình thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Những tháng cuối năm 2021, tỉnh đã tổ chức khởi công đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn Km14 Quốc lộ 2 Tuyên Quang - Hà Giang. Với tổng mức đầu tư là 635 tỷ đồng với 5 gói thầu xây lắp, dự kiến công trình sẽ được hoàn thành trong 36 tháng. Tuyến đường sẽ kết nối thuận lợi với các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình và tỉnh Hà Giang, kết nối với các tuyến đường quan trọng của khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội, giao thương vận tải - hàng hóa - hành khách, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ theo quy hoạch mạng lưới giao thông tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030. Hoàn thành và tổ chức lễ khai trương đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công Tuyên Quang.
Thực hiện Đề án thu hút đầu tư tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trong năm 2021, tỉnh đã thu hút và cho ý kiến triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đầu tư 25 nghìn tỷ đồng, bằng 50% mục tiêu của cả giai đoạn.
Có được kết quả này là nhờ sự chủ động từ cấp tỉnh đến tất cả các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện. Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động cụ thể với 11 đề án, 1 chương trình, tập trung vào các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm nhằm cụ thể hóa phương hướng, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Bám sát Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, từng cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị cũng đã cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch, đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện đặc thù của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để tổ chức nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội.
Dịch bệnh, tất cả đều khó khăn, nhưng sự đoàn kết, thống nhất, sẵn sàng chung tay vì cộng đồng được xem là bài học giá trị nhất để Tuyên Quang vững bước về đích.
Gửi phản hồi
In bài viết