Nghị định số 144/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2021, thay thế Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật; trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15-3-2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP.
Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức phổ biến Nghị định mới tại khu vực miền Bắc.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP được xây dựng đạt mục đích định hướng phát triển nghệ thuật, phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Nghị định đã thống nhất hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại, đầu tư kinh doanh, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường nghệ thuật biểu diễn và tiến tới hội nhập nền thương mại toàn cầu.
Tại hội nghị, các đại biểu thuộc các cơ quan quản lý văn hóa địa phương, đơn vị nghệ thuật, đơn vị tổ chức nghệ thuật khu vực miền Bắc đã được phổ biến các nội dung Nghị định, các điểm mới, giải đáp thắc mắc và kiến nghị, đề xuất để thực hiện hiệu quả Nghị định.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Quang Vinh, nguyên quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, người tham gia Ban soạn thảo, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP gồm 5 chương, 31 điều, kế thừa, hoàn thiện các quy định còn phù hợp tại các văn bản trước đây; điều chỉnh nội dung phù hợp tình hình thực tế; thống nhất với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Nghị định có 6 điểm mới, liên quan tới các nội dung: Tập trung quản lý chuyên ngành về hoạt động nghệ thuật biểu diễn và nội dung biểu diễn nghệ thuật; xác định lại nội hàm khái niệm "biểu diễn nghệ thuật" và "loại hình nghệ thuật biểu diễn". Nghị định quy định phân cấp quản lý theo địa bàn, hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở đâu sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đó quản lý; quy định cụ thể trường hợp dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả của cuộc thi, liên hoan được tổ chức tại Việt Nam; áp dụng biện pháp hậu kiểm đối với hoạt động lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật. Đồng thời quy định biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên hệ thống phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề phân cấp quản lý biểu diễn nghệ thuật theo địa bàn và vấn đề hậu kiểm. Theo Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Văn Trực, việc phân cấp quản lý theo địa bàn sẽ giúp các địa phương quản lý sát nội dung chương trình, hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở địa phương, từ đó xử lý các tình huống phát sinh thuận tiện, tăng quyền lợi và tăng trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi các địa phương phải nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng thẩm định và phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu để bảo đảm thời hạn cấp thủ tục chấp thuận tổ chức biểu diễn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương phải tích cực hơn nữa trong công tác hậu kiểm để xử lý các vấn đề vi phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn...
Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định số 144/2020/NĐ-CP khu vực miền Trung tại Đà Nẵng vào ngày 7-4 và khu vực miền Nam tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 9-4.
Gửi phản hồi
In bài viết