(Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN)
Bộ Công Thương cho biết, một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang chịu tác động bất lợi do dịch COVID-19, đặc biệt các mặt hàng rau quả, trái cây có sản lượng lớn, đến vụ thu hoạch gặp khó khăn đầu ra cả về xuất khẩu lẫn tiêu thụ trong nước, nhất là tại một số địa phương đang trong vùng dịch.
Do vậy, để kịp thời triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh và các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 31/1/2020; Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành công thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19.
Cùng với đó, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh và các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ tết; vận động, yêu cầu các doanh nghiệp cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, nhất là khi trên địa bàn xảy ra dịch bệnh.
Bộ Công Thương cũng lưu ý các đơn vị đánh giá nguồn cung, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh; có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và cho các khu vực phải thực hiện cách ly; có phương án về phối hợp hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho các địa phương khác khi cần thiết.
Đặc biệt, Sở Công Thương các tỉnh và các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước cần phối hợp các đơn vị chức năng trên địa bàn, triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, bảo đảm các phương tiện vận chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân được lưu thông thông suốt.
Các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị lớn có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống; phối hợp với các địa phương điều phối, cung ứng hàng hóa liên tỉnh để kịp thời cung cấp hàng hóa cho các địa phương thiếu hàng.
Ngoài ra, để nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và người dân trên địa bàn, Bộ đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan chủ động liên hệ và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, Sở Công Thương thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác tổ chức, nhất là từ nay đến cuối năm 2021.
Để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ bà con nông dân đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, mới đây Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều chính sách nhằm tăng cường kết nối, vận động các đoàn thể chính trị xã hội chia sẻ và tích cực giúp đỡ nông dân tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Theo đó, Sở Công Thương Quảng Ninh sẽ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các địa phương, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh để quảng bá các sản phẩm tới các khu công nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đế thống nhất kể hoạch cụ thể về nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm làm đầu mối cung-cầu toàn bộ sản phẩm đến khi ổn định được tình hình.
Đồng thời, Sở Công Thương Quảng Ninh dự kiến sẽ làm việc với các trung tâm thương mại lớn, các chợ đầu mối để thống nhất phương án kế hoạch tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Việc thực hiện có hiệu quả các biện pháp tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được coi là nhiệm vụ quan trọng đảm bảo ổn định sản xuất, đời sống cho nông dân, các hộ sản xuất, nhất là trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, đặc biệt từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021./.
Gửi phản hồi
In bài viết