Dây chuyền sản xuất tại công ty Tôn Hòa Phát (Khu công nghiệp Phố nối B, huyện Văn Lâm, Hưng Yên). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Tổng cục Thống kê vừa cho biết, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, thêm vào đó số ngày làm việc của tháng 1 năm nay nhiều hơn năm trước nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2021 ước tính tăng cao 22,2% so với tháng 1/2020.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 16,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.
Trong các ngành công nghiệp, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất tháng 1 tăng cao so với cùng kỳ năm trước; đó là, sản xuất kim loại tăng 48,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 42,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 38%; sản xuất xe có động cơ tăng 36,9%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 34,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 32,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 32,6%...
Bên cạnh đó, một số ngành tăng thấp hoặc giảm như: sản xuất trang phục tăng 9,9%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 6,3%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,2%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 3,8%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,8%...
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng 1/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là tivi các loại tăng 106,2%; linh kiện điện thoại tăng 71,5%; thép cán tăng 63,4%; sắt, thép thô tăng 38,8%; ôtô tăng 38,2%; xi măng tăng 35,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 35,6%; sữa bột tăng 31,1%...
Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Phân u rê tăng 4,4%; nước máy thương phẩm tăng 3,7%; dầu thô khai thác giảm 12,5%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 15,1%; xăng dầu các loại giảm 52,4%...
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/01/2021 tăng 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,4% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 2,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,8%.
Để ngành sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng trong những tháng tới, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, cho biết, Tổng cục Thống kê đề xuất các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.
Bên cạnh đó, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.
Ông Phạm Đình Thúy cũng đã nhấn mạnh đến giải pháp, các địa phương cần chủ động thực hiện hoặc tham gia vào quá trình phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới; tập trung xử lý hàng công nghiệp tồn kho…/.
Gửi phản hồi
In bài viết